Ồn ào cuối năm
Thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2017 có nhiều sự biến động, nhất là mặt hàng cát xây dựng. Sau khi Chính phủ chỉ đạo đấu tranh chống “cát tặc”, chấn chỉnh lại việc khai thác cát tại các địa phương, giá cát xây dựng đã tăng lên chóng mặt.
Đơn cử, giá cát san lấp từ mức 150.000 đồng/m3, tăng lên 300.000 đồng/m2, cát xây tô từ 160.000 đồng/m3 lên 400.000 đồng/m2, còn cát bê tông tăng mạnh nhất, từ 250.000 đồng/m3 lên tới 700.000 đồng/m3.
Đến cuối năm, thêm nhiều loại vật liệu xây dựng khác tăng giá theo mùa sửa chữa, hoàn thiện nhà ở để đón Tết. Trong đó, mặt hàng đá xây dựng, khoảng tháng 9/2017 giá chỉ 93.000 đồng/m3, nhưng đến tháng 12/2017, giá đã nhảy lên 125.000 đồng/m2, khiến nhiều chủ đầu tư và nhà thầu giật mình.
Theo lý giải của một chủ mỏ đá tại Đồng Nai, giá đá tăng từ tháng 10/2017 là do nhu cầu xây dựng những tháng cuối năm tăng cao, trong khi lượng đá khai thác không đủ để cung cấp cho thị trường. Hơn nữa, việc tăng giá này theo quy luật hàng năm, chứ không phải chỉ năm nay mới tăng.
Còn một số loại vật liệu xây dựng khác như gạch xây dựng tuynel (Bình Dương), gạch bê tông, sơn tường, thiết bị vệ sinh… cũng ghi nhận mức tăng giá từ 5 - 10%. Tuy nhiên, tại các cửa hàng kinh doanh, không lúc nào ngớt khách.
Tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức, TP.HCM), anh Hóa, chủ cửa hàng cho biết, đối với mặt hàng sơn tường, doanh thu trong 2 tháng cuối năm thường tăng từ 50 - 80%, bằng cả quý trước gộp lại.
“Khoảng từ đầu tháng 11, lúc nào cửa hàng của tôi cũng tấp nập, điện thoại réo gọi hàng liên tục, nhiều lúc có đơn hàng gọi gấp nhưng người giao hàng chưa về nên tôi không dám nhận”, anh Hóa chia sẻ.
Đầu năm lặng lẽ
Sau những tháng cuối năm ồn ào, theo khảo sát, tình hình tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, nội thất tại TP.HCM 2 tuần đầu xuân mới đều rất vắng vẻ.
Dừng chân tại một cửa hàng kinh doanh sơn phủ trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình (TP.HCM) để hỏi thăm thì anh Hoàng, chủ cửa hàng chia sẻ, từ sau Tết đến nay vẫn chưa xuất được đơn hàng nào lớn, chủ yếu bán mấy hộp sơn chống rỉ nhỏ cho đội thợ cơ khí.
“Do thời gian cao điểm của kinh doanh sơn là vào những tháng cuối năm, nên những tháng đầu năm thường vắng khách”, anh Hoàng cho biết.
Tương tự, tình hình của các cửa hàng bày bán thiết thị vệ sinh tại khu vực quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng chẳng khá hơn, mặc dù có rất nhiều thương hiệu, chủng loại, mẫu mã… được chủ cửa hàng nhập từ nước ngoài về.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Tuyết, chủ Đại lý Thắng Tuyết (quận Thủ Đức), chuyên nhập khẩu và phân phối thiết bị vệ sinh từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cho biết, dù sản phẩm có chất lượng tốt, giá mềm, mẫu mã đẹp, nhưng từ sau Tết đến giờ rất vắng khách.
“Không phải chỉ riêng một cửa hàng tôi, mà hầu như tại các cửa hàng khác đều như vậy. Đa số vẫn quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, nên mọi người vẫn đi lễ với đi chơi nhiều, chứ ít ai sửa chữa hay xây mới vào dịp đầu năm”, chị Tuyết nói.
Ghi nhận không khí vắng vẻ tại một showroom bày bán nội thất tại quận 9, chị Mến, quản lý ở đây cho biết, hiện nay, khách hàng ít đến showroom để coi hàng, có thì cũng chỉ đến kháo giá rồi về.
“Thời đại công nghệ thông tin, chỉ với mấy thao tác ‘vuốt vuốt’ và click chuột, khách hàng đãn chọn cho mình được một sản phẩm ưng ý, ít ai đến tận các cửa hàng thất để mục sở thị như trước kia”, chị Mến lý giải sự vắng vẻ của cửa hàng.
Cũng chẳng khá hơn các cửa hàng ở trên, nhưng anh Tâm, chủ đại lý vật liệu xây dựng tổng hợp trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, lại cho rằng, sau những tháng cuối năm chạy đua tấp nập, thì bây giờ là lúc để nghỉ ngơi.
“Gần như trở thành quy luật, thị trường vật liệu xây dựng hay nội thất đều vậy. Cuối năm thì chạy vắt chân lên cổ, nhưng đổi lại doanh thu lại gấp 3 - 4 lần mấy quý đầu. Sau những tháng vất vả cuối năm, tôi dành quãng thời gian này để nghi ngơi, lấy sức, chuẩn bị đi khai thác những đơn hàng mới vào tháng sau”, anh Tâm chia sẻ.
VLXD.org (TH/ Đầu tư BĐS)