Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Bảo vệ người tiêu dùng

Tiêu dùng cứu thế giới

22/07/2013 - 09:30 SA

Để tăng sức mua trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã tăng lương tối thiểu để người dân có thêm tiền chi tiêu.
Nỗi lo sợ đã thành hiện thực. Đầu tuần qua, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc đã tăng chậm hơn trong quý II/2013, chỉ đạt 7,5% so với mức 7,7% của quý I. Đây là quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế tăng trưởng yếu hơn. Điều đáng ngại, theo một số chuyên gia kinh tế, là Trung Quốc có thể sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% đặt ra cho năm 2013.

Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp 13% vào hoạt động kinh tế toàn cầu trong năm nay, so với chỉ 5% năm 2006. Do đó, đà tăng trưởng chậm lại của nước này sẽ tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu.

Đông Nam Á run rẩy

Tăng trưởng chậm của Trung Quốc ảnh hưởng khắp toàn cầu, nhưng Đông Nam Á mới là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Các nước Đông Nam Á không chỉ sống nhờ sức khỏe của kinh tế Trung Quốc mà còn cả nhờ vào hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hiệp định này đã hạ các rào cản thương mại kể từ năm 2010, giúp đẩy mạnh giao thương giữa 2 bên.

Giao thương giữa Trung Quốc với 10 nước thuộc ASEAN đã tăng hơn 30 lần trong 15 năm qua, so với mức tăng chưa tới 3 lần của giao thương giữa ASEAN với Nhật hay Mỹ.

Trong nhiều năm, nhu cầu dường như vô tận của Trung Quốc đối với hàng hóa đã tạo sức bật lớn cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, vốn xuất khẩu phần lớn tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc đã giúp Indonesia có 5 năm tăng trưởng hơn 6% trong 6 năm qua. Nhưng khi nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại, giá cả hàng hóa cơ bản, đặc biệt là than và dầu cọ, đã giảm mạnh trong năm qua khiến các công ty của Indonesia bắt đầu lo ngại thời vàng son đã chấm dứt.

Công ty than đá PT Lumbung Energi & Metal cho biết đã cắt giảm phân nửa kế hoạch tăng trưởng của trong năm nay do nhu cầu từ Trung Quốc và giá than giảm mạnh. Có đến phân nửa hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này được xuất sang Trung Quốc.

Nasir Sihotang, 55 tuổi, chủ một đồn điền dầu cọ ở Đông Sumatra, cho biết thu nhập của ông đã giảm 30% trong năm qua do giá dầu cọ giảm. “Nhu cầu từ Trung Quốc giảm mạnh nên giờ chúng tôi phải đối mặt với sản xuất thừa. Tôi đã cắt giảm chi tiêu trong gia đình. Một số chủ đồn điền khác thậm chí còn ngừng gửi con đi học”, ông nói.

Thực tế này đã phản ánh vào tăng trưởng GDP quý I/2013 của Indonesia. Một số chuyên gia kinh tế còn dự kiến tăng trưởng Indonesia sẽ xuống dưới mức 6% lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Tại Thái Lan, xuất khẩu đã giảm 5,25% trong tháng 5.2013 so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà xuất khẩu cao su và linh kiện máy tính nằm trong số bị tác động mạnh nhất. Thai Rubber Latex Corporation, nhà xuất khẩu cao su thiên nhiên cô đặc lớn nhất thế giới, là một ví dụ. Tập đoàn này xuất khẩu tới hơn 50% sản lượng sang Trung Quốc. “Sau mức tăng trưởng 2 con số trong những năm gần đây, giờ chúng tôi chứng kiến doanh số không tăng thậm chí còn giảm xuống trong năm 2013”, Paitoon Wongsasutthikul, chuyên gia cố vấn cho Hội đồng Quản trị của Tập đoàn, nói.

Vì tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại, đầu tuần qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng ở các nước đang phát triển tại châu Á. ADB dự báo GDP của khu vực sẽ chỉ tăng 6,3% trong năm 2013 và 6,4% vào năm tới. Hồi tháng 4, tổ chức này dự báo mức tăng trưởng tới 6,6% năm 2013 và 6,7% năm 2014.

Cơ hội cho ngành ôtô và lương thực

Trong 30 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hơn 10%/năm. Nhưng sự tăng trưởng thần tốc này lại phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư, nguyên nhân dẫn đến sự méo mó trên thị trường bất động sản cũng như gây bất ổn cho hệ thống tài chính nước này. Vì thế, Chính phủ mới của Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế để đưa nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn theo hướng giảm phụ thuộc vào xây dựng và công nghiệp nặng và dựa nhiều hơn vào chi tiêu tiêu dùng.

Để tăng sức mua trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã tăng lương tối thiểu để người dân có thêm tiền chi tiêu và nới lỏng việc kiểm soát lãi suất để người gửi tiết kiệm có thể hưởng mức lãi tốt hơn. Chính phủ cũng đưa ra các chính sách miễn giảm thuế và ưu đãi về đất đai đối với các ngành phục vụ tiêu dùng như thực phẩm và ôtô, nhưng “cạch mặt” các ngành công nghiệp nặng đang bị thừa cung lớn như sản xuất thép và đóng tàu.

Thứ Hai tuần qua, Chính phủ Trung Quốc cho biết sản lượng công nghiệp đã tăng 8,9% trong tháng 6, giảm so với mức 9,2% của tháng 5. Đầu tư tài sản cố định tăng 20,1% trong 6 tháng đầu năm so với dự báo 20,2%. Ngược lại, chi tiêu tiêu dùng đã tăng trưởng tốt khi doanh số bán lẻ tăng lên 13,3% trong tháng 6, so với 12,9% của tháng 5.

Rõ ràng, mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cơ bản (như than, dầu) trên thế giới. Tuy nhiên, nó cũng mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô và lương thực. Nhà bán lẻ quần áo lớn nhất châu Á, Fast Retailing (Nhật), chủ chuỗi cửa hàng Uniqlo, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chi tiêu mạnh tay để mua quần áo của Hãng và Hãng đang mở thêm các cửa hàng tại nước này.

Ngành ôtô cũng tăng trưởng tốt. Lượng ôtô bán ra tại Trung Quốc đã tăng 12% trong 6 tháng đầu năm nay, lên 10,7 triệu chiếc. Các nhà sản xuất ôtô cũng dự báo mức tăng trưởng doanh số cao trong 6 tháng còn lại.

Đó là lý do tháng 7 này, SK Group của Hàn Quốc đã ký thỏa thuận trị giá 160 triệu USD để thành lập một liên doanh pin dành cho ôtô điện ở Bắc Kinh.

Tại Nam Phi, mặc dù nhu cầu của Trung Quốc đối với crôm và mangan đã giảm, nhưng các quan chức nước này kỳ vọng điều đó sẽ được bù đắp bởi nhu cầu cao về lương thực tăng. “Chúng tôi đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu tăng lên về lương thực tại nước này”, Theo de Jager, Phó Chủ tịch Agri SA, một hiệp hội các nhà nông ở Nam Phi, cho biết.

Mặc dù cơ hội là có nhưng giới chuyên gia kinh tế lo ngại các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị buộc phải sa thải lao động, khiến nhu cầu tiêu dùng tại đây giảm mạnh. Hiện tại, các nhà điều hành chính sách Trung Quốc đều quyết tâm thực hiện các cải cách kinh tế, cho dù điều đó có nghĩa họ chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong ngắn hạn. Vì thế, câu hỏi được nhiều người quan tâm là nền kinh tế phải chấp nhận tăng trưởng chậm hơn trong bao lâu nữa trước khi Chính phủ Trung Quốc quyết định can thiệp để thúc đẩy tăng trưởng.

Wei Yao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Societe Generale, cho biết mặc cho con số tăng trưởng quý II yếu ớt, chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ không tung ra các gói kích thích mới. Còn các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Nhật Nomura, cho biết xác suất 30% là tăng trưởng sẽ thấp hơn mức 7% trong 6 tháng cuối năm nay. Điều đó có nghĩa nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á, sẽ phải chịu trận thêm một thời gian nữa.

Theo NCĐT

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng