Gạch được sản xuất bằng công nghệ ép rung, dùng máy ép
gạch block của Trung Quốc cải tiến khuôn cho phù hợp với hình dáng gạch nung truyền thống: Loại này hiện do các nhà máy gạch như Vina, Vietcem... sản xuất.
Do công nghệ ép rung (vừa ép vừa rung, ép một chiều từ trên xuống và ép trực tiếp lên tấm palet gỗ) chỉ phù hợp với các loại khuôn có thành vách dày (lớn hơn 20mm) như gạch block vì thành vách dày khi ép rung không có hiện tượng nêm kẹt liệu trong khuôn, lực lèn ép đều từ trên xuống. Đối với khuôn cải tiến hình dáng gạch giống gạch nung truyền thống, thành vách mỏng (7 - 8mm) khi ép 1 chiều từ trên xuống xảy ra hiện tượng kẹt liệu do các hạt cốt liệu nêm lèn cứng vào nhau, làm cho lực ép nén gạch chỉ tập trung phần trên của viên gạch, làm cho chất lượng gạch cứng không đều (trên cứng, dưới mềm).
Để giải quyết tình trạng này các nhà máy buộc phải tăng bề dày thành vách lên bằng cách giảm đường kính lỗ rỗng xuống còn 16 - 18mm. Tuy nhiên điều đó không giải quyết triệt để hoàn toàn đạt 100%, còn đưa đến vấn đề trọng lượng viên gạch tăng lên đến 1.8 - 2kg. Làm ảnh hưởng đến năng suất thi công của thợ xây và dẫn đến hiện tượng nức tường do nặng làm đà bê tông chuyển vị (đặc biệt là những khu vực nền đất yếu). Ưu điểm duy nhất của công nghệ này là năng suất rất cao và nhà máy hạ giá thành để cạnh tranh.
Gạch ống xi măng cốt liệu. Ảnh minh họa.
Gạch được sản xuất bằng công nghệ ép tĩnh hai chiều dùng máy của các nhà chế tạo cơ khí trong nước như Trung Hậu, Chita, Đông Hải... Công nghệ này giải quyết triệt để về chất lượng sản phẩm là viên gạch, lực ép từ hai đầu viên gạch làm áp lực tác dụng đều trên cả khối tạo nên hình dáng viên gạch đều đẹp chất lượng hoàn hảo. Nhược điểm của công nghệ này là năng suất thấp chỉ bằng 1/4 - 1/5 máy ép rung do đó chi phí giá thành tăng cao hơn.
Ngoài các vấn đề nêu trên do các dây chuyền máy ép tĩnh trong nước thiết kế theo hướng chày tạo lổ gắn liền với khuôn cối trong quá trình ép lấy sản phẩm ra ngoài khuôn (dùng chày dưới ép đẩy viên gạch lên trên trong khi chày tạo lổ vẫn còn nằm trong viên gạch), khi đó lực nén dư trong viên gạch bó chặt trong khuôn. Lực ma sát lên thành khuôn cối và chày tạo lỗ rất lớn dẫn đến lực đẩy viên gạch ra ngoài khuôn là rất lớn, thường dẫn đến việc quá tải kẹt gạch trong khuôn, hệ thống thủy lực mau bị phá hỏng. Khuôn mòn rất nhanh dẫn đến chi phí sửa chữa, thay khuôn rất tốn kém không đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.
VLXD.org (TH)