Sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh cung vượt cầu, hàng tồn kho không có dấu hiệu giảm từ đầu năm đến nay, cộng thêm thép nhập khẩu nhiều đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép niêm yết phân hóa dữ dội. Những công ty mạnh gia tăng thị phần, trong khi các công ty yếu ngày một đuối sức.
Những doanh nghiệp không chịu đầu hàng khủng hoảngĐầu tháng 3-2014, tập đoàn Hòa Phát (HPG-Hose) công bố nghị quyết cuộc họp mới nhất của hội đồng quản trị, theo đó doanh thu năm nay sẽ đạt 23.000 tỉ đồng và lợi nhuận 2.200 tỉ đồng, cổ tức tiền mặt dự kiến 20%. Hòa Phát kinh doanh đa ngành, không chỉ chuyên về thép, nhưng thép là hoạt động cốt lõi và đóng góp tỷ trọng lợi nhuận lớn. Trong hai tháng đầu năm sản lượng thép xây dựng bán ra thị trường của tập đoàn tăng 18% so với cùng kỳ, mặc dù giá bán bình quân giảm. Với việc tăng công suất của khu liên hợp sản xuất thép trong giai đoạn 2 và kỳ vọng giá thép xây dựng phục hồi trong sáu tháng cuối năm, Hòa Phát hy vọng dành thêm thị phần để củng cố vị trí đang dẫn đầu thị trường.
Tôn Hoa Sen (HSG-Hose) với thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, đặc biệt khu vực phía Nam, đang có thị phần cao nhất, hơn 40% ở mảng thép tấm. Năm ngoái, công ty thành công trong hoạt động xuất khẩu khi doanh số xuất chiếm tới 44% tổng doanh thu chung. Hoa Sen đang thực hiện kế hoạch nâng công suất tôn màu và thép cuộn cán nguội. Nhờ giá thành sản phẩm thấp hơn đáng kể so với các công ty khác trong nước, lợi nhuận gộp của công ty tiếp tục được cải thiện.
Dây chuyền sản xuất của Tôn Hoa Sen, doanh nghiệp đang chiếm thị phần hơn 40% ở mảng thép tấm. Chưa bằng hai doanh nghiệp trên, nhưng Thép Nam Kim (NKG-Hose) - một công ty tầm trung - đã bất ngờ gia tăng mạnh doanh thu năm 2013 khoảng 60% và báo lãi ròng 55 tỉ đồng sau khi lỗ hơn 100 tỉ đồng năm 2012 (trên vốn điều lệ 299 tỉ đồng). Nam Kim đã vươn lên ngoạn mục, đứng thứ ba về thị phần trong phân khúc tôn mạ và chiếm thị phần khoảng 50% ở khu vực các tỉnh phía Nam.
Hiệu quả kinh doanh của Hòa Phát và Hoa Sen đã phản ánh trong giá chứng khoán khi cổ phiếu của HPG đã tăng hơn 60% kể từ tháng 9 năm ngoái. Mức tăng giá của cổ phiếu HSG cũng không kém, khoảng 57%, cùng thời gian trên. Riêng cổ phiếu NKG đã bị thị trường “lãng quên” khá lâu và gần đây mới chuyển mình.
Ra gió bị bệnhBốn năm trước, năm 2010, khi lợi nhuận sau thuế của Tôn Hoa Sen chỉ có 215 tỉ đồng, thì lợi nhuận sau thuế của Pomina (POM-Hose) - một gương mặt đáng nể của ngành thép - đã vượt mốc 650 tỉ đồng, gấp hơn ba lần HSG. Tuy nhiên, hai năm 2012-2013, Pomina đã không chống chọi được với khó khăn, khi lợi nhuận lao dốc và lỗ 219 tỉ đồng năm ngoái. Doanh thu không nhỏ, khoảng 10.000 tỉ đồng, nhưng chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và trả lãi những khoản vay đã “ngốn” trọn lợi nhuận làm ra.
Một số công ty thép khác cũng lâm vào tình trạng thua lỗ như Hữu Liên Á Châu (HLA-Hose) lỗ 242 tỉ đồng năm 2013 trên vốn điều lệ 345 tỉ đồng; Thép Bắc Việt (BVG-Hnx) lỗ hai năm liên tiếp 2012-2013, âm vốn chủ sở hữu. Một số công ty không lỗ, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn khiêm tốn, từ 10-25 tỉ đồng như Thép Dana, Ống thép Việt - Đức, SMC....
Thép Việt - Ý (VIS-Hose) có lẽ là trường hợp khiến nhà đầu tư đau đầu nhất. Mới đây Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã đưa cổ phiếu VIS vào diện kiểm soát và sẽ bị tạm ngưng giao dịch kể từ ngày 13-3-2014 do thua lỗ hai năm liên tiếp. Với mức vốn ban đầu 100 tỉ đồng, sau phát hành thêm cổ phiếu và tăng dần lên 150 tỉ đồng, Thép Việt - Ý đã từng là cổ phiếu vàng trong danh mục của nhiều nhà đầu tư khi năm 2008 lãi ròng 131 tỉ đồng, năm 2009 lợi nhuận sau thuế vọt lên 225 tỉ đồng và năm 2010 lãi 110 tỉ đồng. Tuy nhiên kể từ khi sáp nhập với Công ty Luyện thép Sông Đà, vốn là một doanh nghiệp thua lỗ triền miên và có những khoản nợ vay lớn, VIS đã trở thành “người hùng thất trận”. Vào thời điểm sáp nhập xong, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của VIS “thăng thiên” lên gần 3.000 tỉ đồng, gấp hơn 6 lần vốn điều lệ. Vay nợ lớn trong thời khủng hoảng, lãi suất cao là tiền đề dẫn đến sự “gục ngã” cho đến giờ chưa gượng dậy nổi của VIS.
Thực trạng tài chính bê bết đã làm giá cổ phiếu VIS rơi về vùng đáy và đứng ở đó kể cả khi thị trường chung đi lên. Những cổ đông lâu năm của VIS đã không khỏi ngậm ngùi bởi họ không có quyền quyết định việc không chấp thuận sáp nhập với Công ty Luyện thép Sông Đà. Tổng công ty Sông Đà, cổ đông lớn, nắm giữ 51% cổ phần VIS đã ủng hộ sáp nhập. Việc sáp nhập đã kéo VIS xuống vực và cho dù cái tên Luyện thép Sông Đà không còn, thì hệ lụy vung tay đầu tư không hiệu quả của nó vẫn còn đó.
SJ (TH/ TBKTSG)