Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Chứng khoán ngành

Doanh nghiệp niêm yết: Lãi, nhưng chưa mừng

18/02/2011 - 10:41 SA

Thị trường dang dửng dưng với những thông tin báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2010 vì gánh nặng lo âu thực tế đang hiện hữu phía trước.

Thép là ngành sản xuất chịu ảnh hưởng kép của tỷ giá và tăng giá năng lượng

Lặng sóng kết quả kinh doanh


Báo cáo kết quả kinh doanh chưa kiểm toán trong quý 4/2010 của doanh nghiệp niêm yết đến giờ này đã khá lớn. Thống kê sơ bộ có khoảng 390 báo cáo được công bố, trong đó tại HSX là 149 báo cáo và HNX là 242 báo cáo.

Nhìn chung đa số doanh nghiệp báo cáo lãi trong quý cuối năm, chỉ có 27 doanh nghiệp báo cáo lỗ. Mức lỗ tuyệt đối lớn nhất thuộc về PPC do ảnh hưởng của trích lập dự phòng tỷ giá. Lãi gộp trong quý 4 của PPC đạt 193,4 tỷ đồng, tăng so với quý 3/2010. Tuy nhiên PPC phải thực hiện trích lập cuối năm khiến chi phí tài chính vọt lên mức 860,4 tỷ đồng và mức lỗ trước thuế quý 4 là 577,6 tỷ đồng. Lãi sau thuế cả năm chỉ còn 3,9 tỷ đồng.

Kế đến là một số công ty báo cáo lỗ khá nặng trong quý 4 như VND (-117,17 tỷ đồng), BTP (-50,62 tỷ đồng), SHC (-50,27 tỷ đồng)... Tính chung cả năm 2010 cho đến thời điểm này, chỉ có 11 doanh nghiệp báo cáo lỗ, dẫn đầu là KLS (-172,82 tỷ đồng), tiếp đến là BVS (-92,95 tỷ đồng), SHC (-58,58 tỷ đồng).

Những tác nhận gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh quý 4 của doanh nghiệp vẫn là lãi suất, tỷ giá, giá nguyên vật liệu đầu vào khiến chi phí tăng cao. Tuy nhiên, những quý đầu năm nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi đủ để “gánh” mức lỗ cho quý 4.

Trong số doanh nghiệp báo lãi cả năm, có 8 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 500 tỷ đồng. Dẫn đầu là MSN, sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông thiểu số còn 2.634,81 tỷ đồng lợi nhuận. Khá nhiều doanh nghiệp có mức lợi nhuận vượt kế hoạch rất hoành tráng như VIC, MSN, DPR, DPM, PVS...

Thống kê cũng cho thấy có 13 doanh nghiệp trên cả hai sàn đạt mức lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) trên 10.000 đồng. Trong số này chỉ có DHG tại HSX có mức vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng (EPS đạt 14.219 đồng) và 3 mã khác là PGS, VSC và SPM có vốn hóa trên 500 tỷ đồng. Còn lại đa số là các mã vốn hóa nhỏ, thậm chí có 4 mã vốn hóa dưới 90 tỷ đồng.

Nếu căn cứ vào chỉ số giá trên thu nhập (P/E) thì rất nhiều cổ phiếu có thể coi là rất “rẻ”. Có tới 85 mã cho đến thời điểm này đạt P/E 2010 nhỏ hơn 5 lần hoặc 11 mã có P/E dưới 3 lần. Tuy nhiên khó có thể nói cổ phiếu có P/E thấp là có triển vọng vì không ít các mã trong diện này bị rơi vào tình trạng lãng quên trong khi các mã có P/E cao ngất vẫn nổi sóng thường xuyên.

Từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường vẫn chưa chứng kiến một con sóng đáng kể nào để có thể gọi là sóng kết quả kinh doanh. Đợt VN-Index tăng mạnh từ 470 điểm lên gần 530 điểm chỉ có thể là sóng của một số cổ phiếu lớn, trong đó chủ yếu là BVH và MSN.

Một tín hiệu khá rõ cho thấy tác động của kết quả kinh doanh không lớn là những con số khủng nhất cũng chỉ khiến giá cổ phiếu biến động cực ngắn hạn. ITA là ví dụ khi báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy lợi nhuận sau thuế 2010 tăng gần 62% so với năm 2009 nhưng cũng chỉ đủ tạo sóng một phiên. Thông tin được công bố ngày 9/2 vừa qua thì ngày 10/2, ITA có một phiên tăng gần kịch trần, khối lượng lập kỷ lục trong 31 phiên. Tuy nhiên nhà đầu tư nào hăng hái đua trần tại ngày 10/2 tính đến hôm đã lỗ khoảng 6,5%.

Triển vọng màu xám

Ám ảnh về chi phí chắc chắn sẽ tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp trong quý 1/2011 vì những khó khăn nổi lên từ cuối năm 2010 không những chưa giảm mà còn tăng thêm. Lãi suất vay cao, tỷ giá tăng và triển vọng tăng giá nguyên liệu, năng lượng đầu vào sẽ là những khó khăn đáng chú ý nhất.

Kỳ vọng hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ thở hơn đang ngày càng trở nên mong manh. Cho đến nay thông điệp duy nhất vẫn là “hứa hẹn” của Ngân hàng nhà nước nếu mức tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 ở quanh ngưỡng 1,4%. Giải pháp từ cơ quan quản lý là có, nhưng phụ thuộc vào chữ “nếu”. Các hành động bơm tiền ra tiếp tục được giới phân tích cho là không phù hợp vì mục tiêu quan trọng lúc này là kiềm chế lạm phát. Lãi suất huy động mặc dù được quyết giữ trần 14% nhưng “cửa” hạ cũng chưa có, nhất là khi cần đảm bảo niềm tin vào đồng nội tệ. Chắc chắn không ai muốn khoản tiền tiết kiệm của mình giảm đi và nếu có nguy cơ, họ sẽ chuyển sang dạng tích lũy khác. Do đó trông chờ vào nguồn vốn huy động để giảm lãi suất là rất khó khăn.

Việc tăng tỷ giá có khả năng ảnh hưởng đến doanh nghiệp không chỉ ở chi phí nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất tăng lên, mà còn khiến doanh nghiệp phải tính toán phản ánh vào giá hàng hóa để cân đối áp lực mua ngoại tệ. Trong khi không thể đảm bảo tỷ giá sẽ ổn định, doanh nghiệp thường tính đến phương án dự phòng và phản ánh trước nguy cơ tăng tỷ giá trong tương lai vào giá bán. Giá hàng hóa tăng có thể thu hẹp thị trường.

Áp lực mới nổi lên và có thể tác động mạnh đến chi phí sản xuất từ quý 2 năm nay là giá nhiên liệu đầu vào tăng. Trước hết là giá điện, hiện đang nghiêng về phương án tăng 18%. Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến những lĩnh vực sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, thủy sản, dệt may, giấy, phân bón, nhựa... Khả năng tăng giá xăng dầu vẫn chưa rõ ràng nhưng trước áp lực tỷ giá hiện tại, các nhà nhập khẩu, phân phối đang kêu lỗ và nỗ lực bù giá cũng khó kéo dài.

Mặc dù về lý thuyết, tỷ giá tăng có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên mức lợi còn phụ thuộc vào cơ cấu sản xuất. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu thành phẩm nhưng nguyên liệu nhập khẩu lại chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn. Dệt may là ví dụ, việc tăng tỷ giá gần như không làm thay đổi tỷ suất lãi ròng được vì nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo. Thủy sản, cao su hay nói chung là những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng giá đầu vào do nguyên liệu nhập khẩu được xem là có lợi nhờ điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, việc tăng giá điện, than, xăng dầu có thể sẽ khiến lợi thế tỷ giá không nhiều.

NN_Theo VnEconomy

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng