Trong quá trình lắp đặt sàn gỗ, công đoạn nghiệm thu là khâu đặc biệt quan trọng không thể bỏ qua. Đây là khâu kiểm tra cuối cùng để chắc chắn rằng không xảy ra lỗi trong quá trình lắp đặt và công trình đi vào sử dụng được hoàn hảo nhất. Vậy bạn đã biết cách nghiệm thu đúng chuẩn chưa? Cùng tham khảo ngay những thông tin kỹ thuật chính xác dưới đây.
1. Tại sao phải nghiệm thu công trình sàn gỗ
Sau khi kết thúc khâu lắp đặt hoàn thiện sẽ đến công đoạn nghiệm thu. Nghiệm thu là bước kiểm tra cuối cùng từ tổng thể đến chi tiết của công trình để chắc chắn rằng không có lỗi kỹ thuật, sai sót nào trong từng bước thi công và các hư hỏng phát sinh. Nếu như không nghiệm thu hoặc nghiệm thu sơ sài thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đánh mất quyền lợi của chính mình và sẽ không được giải quyết các vấn đề thỏa đáng khi xảy ra sai sót. Bởi vậy để chắc chắn rằng công trình đi vào vận hành trơn tru và có tuổi thọ lâu bền, người dùng không được sơ sài trong tiêu chuẩn nghiệm thu sàn gỗ.
2. Quy trình nghiệm thu
2.1. Kiểm tra độ phẳng của sàn
Chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra từ tổng quan đến chi tiết. Đầu tiên hãy quan sát tổng thể sàn nhà, đánh giá trực quan xem sàn có bằng phẳng không. Nếu phát hiện các điểm lồi lõm bất thường cần kiểm tra chi tiết các khu vực này, tìm hiểu nguyên nhân và yêu cầu giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, kiểm tra bằng mắt thường chỉ áp dụng với các trường hợp lồi lõm thể hiện rõ. Có nhiều trường hợp sàn gỗ bị lồi lõm nhẹ cần phải dùng thước nhôm hoặc thước chuyên dụng để đo độ phẳng. Dung sai tối đa giữa mép và đầu nối của hai thanh ván sàn liền kề nhau là 0,1mm là có thể chấp nhận. Nếu phần chênh lệch này lớn hơn đây sẽ là những điểm dễ bị cong phồng trong quá trình sử dụng.
2.2.Kiểm tra bề mặt tấm ván
Bề mặt ván sàn là yếu tố then chốt quyết định vẻ đẹp tổng thể của công trình.
Tiếp đến tiến hành kiểm tra bề mặt của tấm ván để xem ván sàn có đều màu không. Màu sắc là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tính thẩm mỹ của công trình, những tấm không đều màu do sai mã hoặc màu sắc không đồng đều cần được thay thế để đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngoài ra, trong quá trình lắp đặt sàn gỗ cũng có thể bị trầy xước. Các vết xước cũng làm sàn nhà mất đi vẻ đẹp sang trọng vốn có của nó. Bề mặt hiển thị là yếu tố then chốt trong một công trình nội thất. Vì vậy không được sơ sài trong bước kiểm tra bề mặt.
2.3. Kiểm tra khe hở
Bước kiểm tra chi tiết hơn liên quan trực tiếp đến yếu tố kỹ thuật và có ảnh hưởng không hề nhỏ đến những hư hỏng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng đó là các khe hở giãn nở. Các khe hở được thiết kế theo toàn bộ đường viền chu vi của căn phòng. Giữa sàn gỗ và tường nhà sẽ được chừa lại một khoảng trống bù nở cho gỗ để đảm bảo rằng khi nhiệt độ tăng cao gỗ có đủ khoảng trống để thay đổi diện tích, tránh trường hợp cong vênh. Khoảng trống theo khuyến cáo là 15mm. Nếu thông số này lớn hơn có thể dẫn đến hiện tượng hở hèm, chạy hèm. Nếu nhỏ hơn 15mm có thể không đủ diện tích cho gỗ giãn nở, sàn nhà dễ bị vênh khi bước vào cao điểm của mùa nóng.
2.4. Kiểm tra phần phào nẹp
Yêu cầu cho phần phào và nẹp là phải thẳng, các điểm đầu nối không được cong lên. Các đoạn phào nẹp có chiều dài tối thiểu 1,5m - 2m để đảm bảo tính thẩm mỹ, các đoạn nối quá dày sẽ khiến mất thẩm mỹ kém sang. Phần tiếp giáp theo mặt bằng giữa phào nẹp và ván sàn không được hở. Nếu xuất hiện khe hở có thể xuất phát từ nguyên nhân sàn gỗ bị hụt hoặc phụ kiện nẹp bị cong. Các vết đóng đinh trên mặt phào cũng phải tinh tế và không được lộ ảnh hưởng đến thẩm mỹ công trình.
2.5. Đi lại để kiểm tra độ ổn định của sàn
Ngoài ra, bạn cũng cần phải kiểm tra xem sàn có hoạt động ổn định không bằng cách đi lại trên toàn bộ diện tích lắp đặt để xem sàn nhà có bị ọp ẹp hay phát ra tiếng kêu không. Những vị trí có vấn đề như bị lún hoặc bị kêu cần được tháo dỡ tìm nguyên nhân và khắc phục ngay. Những lỗi này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm sử dụng của người dùng sau này.
2.6. Kiểm tra các khu vực liên quan
Để cẩn thận hơn, bạn nên kiểm tra các vị trí sàn nhà tiếp giáp với các khu vực đặc biệt như ban công, cửa sổ, cửa nhà tắm để chắc chắn rằng những vị trí này sẽ không bị ảnh hưởng bởi nước hay ánh sáng mặt trời trực tiếp làm thay đổi chất lượng ván sàn. Tiêu chuẩn nghiệm thu sàn gỗ công nghiệp cần được thực hiện đúng các bước nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu.
2.7. Lập biên bản nghiệm thu và bàn giao
Biên bản nghiệm thu và bàn giao là giấy tờ quan trọng và không thể thiếu trong khâu hoàn thiện cuối cùng này. Trong biên bản cần liệt kê đầy đủ và chính xác các thông tin:
- Chủng loại sản phẩm
- Xuất xứ của sản phẩm
- Số lượng sản phẩm
- Các thông số kỹ thuật
- Đặc tính của vật liệu
- Giấy bảo hành và thời hạn bảo hành
- Các lỗi phát sinh
- Cam kết sửa chữa, thời gian bảo hành
-Chữ ký của hai bên
- Ngày tháng làm biên bản
Biên bản nghiệm thu sàn gỗ được lập thành hai bản có nội dung như nhau và mỗi bên giữ một bản để làm căn cứ thực thi cũng như có cơ sở để bảo hành, bảo dưỡng công trình ván sàn sau này.
3. Cách xử lý khi không đạt yêu cầu
Đối với trường hợp phát sinh lỗi, sai sót trong quá trình thi công lắp đặt khiến công trình không thể đi vào vận hành cần tiến hành xử lý để sớm giải quyết vấn đề.
- Với các lỗi do sai mã sản phẩm, tấm nào sai mã yêu cầu thay mới bằng các tấm đúng theo quy chuẩn.
- Với các tấm có khuyết tật bẩm sinh, yêu cầu thay mới bằng các tấm đúng chuẩn chất lượng, nguyên vẹn mới 100%.
- Với các lỗi từ phía lắp đặt yêu cầu tháo ra sửa chữa lại đến khi khắc phục hoàn toàn lỗi.
- Với trường hợp thi công không đạt yêu cầu sau nhiều lần sửa chữa có thể liên hệ đơn vị thi công/ phân phối thu hồi hàng về và giải quyết theo thỏa thuận của hai bên.
Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng đã kiểm tra sản phẩm, phụ kiện và những vấn đề liên quan và xác nhận đạt yêu cầu từ ban đầu thì những lỗi phát sinh sẽ không được xử lý.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn