Hiện tại Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Lượng cung quá lớn, buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải chuyển hướng sang thị trường nước ngoài và phá giá đồng Nhân dân tệ là một biện pháp hỗ trợ cho xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu lớn thép của Trung Quốc, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á, vì vậy, việc điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ sẽ có tác động hai mặt đến ngành sản xuất thép trong nước. Ở chiều thuận lợi, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 50% tổng sản lượng thép nhập khẩu của Việt Nam nên đồng Nhân dân tệ yếu thì các nhà nhập khẩu Việt Nam có cơ hội được nhập thép với giá cả rẻ hơn.
Tuy nhiên, ở chiều bất lợi, việc đồng Nhân dân tệ phá giá giúp làm giảm giá thép thành phẩm của Trung Quốc, tăng lợi thế cạnh tranh về giá sẽ khiến các sản phẩm thép của Trung Quốc như thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội, các loại tôn… sẽ có khả năng ồ ạt tràn vào Việt Nam với số lượng lớn hơn, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Doanh nghiệp thép Việt cần chủ động ứng phóTheo đánh giá của ông Nguyễn Văn Sửa, điểm yếu của DN thép Việt Nam là quy mô đa phần rất nhỏ, điều này dẫn đến năng lực công nghệ, năng lực tài chính kém, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì thế, giải pháp căn cơ là ngành Thép phải xây dựng những DN đủ lớn với quy mô 2 - 3 triệu tấn/năm, với quy mô này DN mới có thể có khả năng tài chính, công nghệ để đối chọi với sản phẩm của nước ngoài tràn vào.
Hiện nay, chúng ta cũng đã có một số DN có quy mô tương đối, có sản lượng khoảng trên 1 triệu tấn/năm như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tôn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt... Nếu số lượng DN này được mở rộng hơn nữa, sẽ tập trung được sức lực để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, ngành Thép cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thông qua việc tăng cường quản lí chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, kiểm soát tốt hơn lượng thép vào Việt Nam từ Trung Quốc…
Theo TBTC