Công ty TNHH Gỗ Tân Dương ở KCN Tam Phước (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất. Đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất của Công ty Tân Dương đã giảm hơn 50% so với năm ngoái. Bà Trần Thị Bích Lài, đại diện Công ty cho biết, dù đã làm việc với các đối tác ở Mỹ, và tìm thêm đối tác khác nhưng kết quả không mấy khả quan. Theo bà Lài, khó khăn từ các doanh nghiệp sản xuất gỗ nội thất cũng kéo theo khó khăn của các đơn vị cung ứng gỗ nguyên liệu. Và tình hình khó khăn có thể còn kéo dài qua nhiều tháng đầu năm sau.
Năm 2021, tỉnh Đồng Nai xuất khẩu gỗ và các sản phẩm được 1,86 tỷ USD. Năm 2022, Đồng Nai đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu trên trở nên khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Chủ một doanh nghiệp chế biến gỗ nội thất ở Bình Dương cho biết, theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, năm nay lạm phát vẫn gia tăng. Người dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU đang thắt chặt chi tiêu. Ngay cả các đối tác của doanh nghiệp này ở nước ngoài cũng đang tồn hàng rất nhiều. Việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất cho từng tháng cũng đang hết sức khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp tìm cách quay lại thị trường trong nước. Bước đi này nhằm tận dụng sức mua nội thất gia tăng cuối năm. Tuy nhiên, việc quay về thị trường nội địa không hề dễ dàng do khác biệt thị hiếu. Doanh nghiệp muốn sản xuất hàng nội địa lại phải thay đổi dây chuyền sản xuất cho phù hợp, chủ doanh nghiệp này giải thích.
Công nhân làm việc bên trong nhà máy chế biến gỗ nội thất.
Trao đổi với ông Đỗ Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR) cho biết, ngành gỗ vẫn có lời nhưng không hoàn thành kế hoạch được giao. Chỉ tiêu ngành gỗ của VRG năm nay là 735 tỷ đồng. Các đơn vị ngành gỗ của VRG chỉ mới hoàn thành 48% kế hoạch. VGR hiện có 15 Công ty gỗ; bao gồm 3 Công ty về ván sợi (MDF), 4 Công ty về gỗ tinh chế (gỗ nội thất) và 8 Công ty sản xuất phôi.
Ông Phước cho biết, trong ngành gỗ thì nhóm Công ty sản xuất gỗ MDF vẫn có lời. Cụ thể, tổng công suất thiết kế các công ty làm MDF là 735.000m³ nhưng cả năm sản xuất được 1 triệu m³. Trong tổng số 300 tỷ đồng lợi nhuận của ngành gỗ thì nhóm gỗ MDF chiếm 80%. Riêng nhóm sản xuất gỗ nội thất gặp khó trong 6 tháng cuối năm, do không có đơn hàng.
Hiện nay các Công ty gỗ nội thất đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cho từng tháng nhằm duy trì công việc và giữ chân người lao động. Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đang phối hợp với Hiệp hội ngành gỗ các địa phương tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, ông Phước chia sẻ.
Năm 2022, ngành gỗ cả nước đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ ước đạt 15,8 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,9 tỷ USD; giảm 1,3% so với năm 2021.
VLXD.org (TH/ Dân việt)