Thị trường nhà đất chững lại
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), nửa đầu năm 2019, thị trường BĐS Việt Nam có sự chững lại. Điển hình, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại TP HCM, mức độ giảm mạnh hơn khi tổng nguồn cung giảm gần 50%. Theo đánh giá của VNREA, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc BĐS lắng xuống. Theo đó, nhiều dự án quy mô lớn đã được xây dựng xong từ cuối năm 2018. Sang năm 2019, nhiều dự án BĐS bị rà soát pháp lý theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên việc cấp chủ trương đầu tư tại nhiều dự án bị đình lại.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 40%, đã tác động mạnh đến các giao dịch BĐS. Do khó tiếp cận vốn nên nhu cầu đầu tư và mua bán BĐS giảm mạnh.
Thị trường BĐS ảm đạm khiến nhiều doanh nghiệp thép gặp khó.
Theo Hiệp hội BĐS TP HCM, trong 6 tháng 2019, mới chỉ có 10 dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất với UBND TP HCM chấp thuận đầu tư (giảm 46 dự án so với cùng kỳ năm 2018). Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố này chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Trong khi đó tại TP Hà Nội, nửa đầu năm nay chỉ có 22 dự án BĐS hoàn thiện, đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS Việt Nam trong 6 tháng qua cũng sụt giảm mạnh. Theo đó, nửa đầu đầu năm nay chỉ đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018.
Việc giảm các dự án BĐS đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) là tổng thầu xây dựng có kết quả kinh doanh kém khả quan. Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong nửa đầu năm nay đạt doanh thu 9.032 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 42% so với nửa đầu năm 2018, đạt 172 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Xây dựng Coteccons 6 tháng đầu năm nay đạt doanh thu 10.037 tỷ đồng, giảm 20% so với nửa đầu năm 2018 (12.613 tỷ đồng), lợi nhuận đạt 312 tỷ đồng (giảm 57%), mức thấp nhất 4 năm trở lại đây.
Ngành thép ảnh hưởng ra sao?
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Phó Tổng Giám đốc TCty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết, do thị trường BĐS trầm lắng nên đã ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất thép trong nước. Theo đó, các dự án BĐS ít đi đã khiến nhu cầu thép xây dựng giảm xuống, từ đó việc bán thép xây dựng bị chững lại.
Cũng theo ông Nguyên, nguồn cung thép xây dựng đang tăng trưởng rất mạnh do nhiều nhà máy thép tại Việt Nam vừa được đưa vào hoạt động. “Sản lượng thép xây dựng sản xuất ra nhiều trong khi thị trường BĐS cần ít đi đã khiến nhiều DN gặp nhiều khó trong kinh doanh”, ông Nguyên nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch VSA, trong 6 tháng cuối năm 2019, tình hình được dự báo chưa được cải thiện do thị trường BĐS chưa có gì khởi sắc. Ông Nguyên cho rằng, do nhu cầu thị trường ít đi nên các DN sản xuất thép phải giảm giá sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
Trong bối cảnh giá quặng lên cao, giá điện, than tăng trong khi sản phẩm thép xây dựng phải giảm giá đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, khiến lợi nhuận giảm. Theo Phó Tổng Giám đốc VNSTEEL, ngoài việc giảm giá bán, đơn vị đang tìm nhiều biện pháp khác, trong đó có việc tìm kiếm các thị trường mới ở trong và ngoài nước để có thể bán sản phẩm thép xây dựng được tốt hơn.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sức tiêu thụ thép xây dựng bị ảnh hưởng rõ nét do các dự án BĐS trầm lắng. Trong bối cảnh đó, mới đây Hòa Phát đưa vào hoạt động khu liên hợp Dung Quất, làm tăng thêm khối lượng thép xây dựng.
“Trước đây chúng tôi chủ yếu bán thép xây dựng ở ngoài Bắc, nhưng khi sản xuất ở Dung Quất, chúng tôi phải tìm thị trường ở miền Nam”, đại diện Hòa Phát nói và cho biết, đơn vị này có đối tác phân phối tốt nên dù bị ảnh hưởng bởi thị trường BĐS nhưng vẫn bán được hàng, tuy lợi nhuận giảm do ảnh hưởng từ thị trường BĐS và từ giá nguyên liệu tăng.
Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long nhận định: “6 tháng cuối năm có thể vẫn khó khăn do thị trường BĐS đang chậm lại”.
VLXD.org (TH/ PLO)