Tìm được đầu ra cho sản phẩm phụ
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời gian tới, nhu cầu xỉ lò cao - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng - có thể đạt 20 triệu tấn. Trong khi đó, xỉ được coi là sản phẩm phụ trong ngành sản xuất thép.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khối lượng xỉ của công nghiệp gang thép năm 2018 có thể đạt 4,23 triệu tấn và dự kiến đạt 7,1 triệu tấn năm 2020.
Riêng xỉ lò cao năm 2018 là 2,31 triệu tấn, đến năm 2020 có thể đạt 4,29 triệu tấn. Như vậy, còn rất nhiều dư địa để ngành thép cung cấp xỉ cho ngành công nghiệp xi măng.
Việc xử lý và sử dụng xỉ luyện gang thép mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, có đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững. Hiện nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đã chú trọng công tác chế biến, sử dụng xỉ gang thép như Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thép Miền Nam, Formosa, Công ty TNHH Tài nguyên CHC Việt Nam…
Tiến sỹ Mai Văn Thanh, Tập đoàn Hòa Phát, cho biết, hiện Tập đoàn có hai khu liên hợp gang thép tại Kinh Môn - Hải Dương và Dung Quất - Quảng Ngãi; trong đó, Khu liên hợp gang thép Hải Dương đã sản xuất ổn định và hàng năm tạo ra 0,75 triệu tấn xỉ hạt lò cao, Khu liên hợp gang thép Dung Quất đang được xây dựng và đến đầu năm 2019 sẽ đi vào hoạt động, hàng năm sẽ có thêm 1,85 triệu tấn xỉ hạt lò cao.
Hòa Phát ước tính, từ năm 2020, Tập đoàn sẽ có 2,6 triệu tấn xỉ hạt lò cao/năm từ hoạt động chế biến gang thép. Hiện một số nhà máy, trạm nghiền xi măng đã sử dụng xỉ hạt lò cao của Hòa Phát làm phụ gia khoáng hoạt tính trong sản xuất xi măng PCB40, xi măng bền sun phát, xi măng ít tỏa nhiệt như Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Hải Phòng, Xi măng Hải Vân, Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Sài Gòn, FICO, Kiên Lương…
Hòa Phát cũng đang thực hiện sử dụng xỉ hạt lò cao nghiền mịn làm phụ gia cho bê tông cho chính Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất.
Tổng công ty Thép Miền Nam cũng có quy trình sản xuất xỉ thép, giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, giảm khói bụi; đồng thời, kiểm soát nguyên vật liệu tạo xỉ và quá trình luyện kim. Đại diện Thép Miền Nam cho biết, với dây chuyền nghiền nhiều công đoạn khép kín, sản phẩm xỉ thu hồi có 80 - 85% làm phụ gia xi măng, 12 - 15% làm vật liệu xây dựng (đá 4 - 6 làm đường).
Đại diện Công ty Thép Formosa, bà Đậu Thị Hoa cho biết, hiện nay, Formosa đã có quy trình công nghệ tái chế xỉ thép, là công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề ổn định hóa xỉ thép (vôi dư, giãn nở), khử sắt triệt để. Formosa là công ty duy nhất ở Việt Nam xử lý, tái chế xỉ thép khép kín.
Chi phí sản xuất còn lớn
“Kết quả nghiên cứu, chế biến, tiêu thụ và sử dụng xỉ hạt lò cao nghiền mịn làm phụ gia cho sản xuất xi măng và bê tông tại Tập đoàn Hòa Phát đã tạo ra bước đột phá có thể cung cấp khối lượng lớn vật liệu cho thị trường xi măng và bê tông, góp phần giảm giá thành bê tông trộn sẵn khi sử dụng 30 - 50% cho xi măng PC50, PCB40, xi măng xá công nghiệp. Đồng thời, tăng sản phẩm xi măng mà không cần đầu tư thêm máy nghiền, góp phần giảm phát thải CO2”, Tiến sỹ Thanh đánh giá.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề doanh nghiệp thép đang đối mặt khi sản xuất xỉ lò cao nghiền mịn là chi phí sản xuất còn lớn.
Trong đó, chi phí tiêu hao năng lượng là một gánh nặng. Tiến sĩ Thanh cho biết, tiêu hao năng lượng trong việc nghiền xỉ lò cao là 42 - 43 kWh/tấn trong khi nghiền xi măng phụ gia với các vật liệu mềm hơn chỉ khoảng 28 kWh. Nguyên nhân chính bởi xỉ lò cao rất khó nghiền. Thậm chí, đối với loại xỉ làm nguội chậm còn không nghiền được.
Bên cạnh đó, còn có rào cản là thói quen sử dụng xi măng của người dân. Người tiêu dùng luôn quan niệm xi măng phải có màu đen, trong khi xi măng sử dụng xỉ lò cao lại có màu trắng. Do đó, mặc dù xỉ lò cao được đánh giá là phụ gia tốt trong sản xuất xi măng, nhưng lại chỉ được pha trộn với tỷ lệ 10 - 15% trong thành phẩm xi măng.
Trong khi đó, đại diện Formosa khuyến nghị, Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể về xỉ thép, đồng thời hỗ trợ để các doanh nghiệp luyện gang thép đưa các sản phẩm tái chế từ xỉ thép ứng dụng trong các công trình xây dựng, thay thế cho vật liệu tự nhiên, đặc biệt là các nhà máy sản xuất xi măng.
Xi măng xỉ hạt lò cao nghiền mịn có tính năng chống ăn mòn xâm thực và bền vững trong môi trường sun phát, nên nếu được khai thác vào sản xuất xi măng, doanh nghiệp gang thép Việt Nam sẽ giải quyết được nhiều vấn đề một lúc, đó là tránh lãng phí, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
VLXD.org (TH/ TNCK)