Thời gian qua, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó tác động rất lớn đến trật tự cung cầu của ngành gang thép.
Được biết, trên thế giới, một số nhà máy thép lớn như ArcelorMittal phải giảm sản lượng 3 triệu tấn hay U.S. Steel tuyên bố dừng sản xuất 2 lò cao… Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nhà máy tiếp tục tăng sản lượng như nhà máy sản xuất gang thép tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…
Tại Việt Nam, lo ngại trước nguy cơ thép giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Bộ Tài chính cũng đã ngay lập tức có hành động để bảo vệ thị trường trong nước bằng việc đề xuất tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.
Thế nhưng, theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và một số doanh nghiệp thép trong nước, biện pháp này không những không hạn chế được, mà còn làm gia tăng thêm lượng thép nhập từ Trung Quốc. Không những thế còn làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường thép Việt Nam, tạo cơ hội cho độc quyền thị trường.
Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga… có sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam lớn nhất.
Theo thông tin từ VSA nêu tại công văn 47A/2019/HHTVN, năng lực sản xuất HRC của các doanh nghiệp trong nước tính đến tháng 12/2018 đạt 3,4 triệu tấn/năm (đạt 86% công suất thiết kế, công suất thiết kế là 4 triệu tấn/năm). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ HRC trong nước khoảng gần 11 triệu tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng gần 31% nhu cầu.
Dự kiến cuối năm 2019, con số này sẽ tăng lên 50 - 60% khi nhà máy của công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và của công ty Formosa đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải Quan, trong 9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 4,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2018, đạt 10,81 triệu tấn, trị giá 7,21 tỷ USD. Trong đó, giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga… có sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam lớn nhất.
Được biết, Ấn Độ và Nga thời gian qua đã giảm giá bán tới hơn 20% để đẩy mạnh hàng xuất khẩu. Theo đó, sản lượng thép Ấn Độ bán về Việt Nam trước đây mỗi tháng khoảng 70.000 tấn thì nay tăng mạnh lên hơn 200.000 tấn.
Thực tế, khi giá thép cán nóng giảm thì giá thép cán nguội, mạ kẽm và thép ống cũng giảm, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của ngành thép trong nước. Do vậy đã có nhiều nhà máy chịu thua lỗ do phải giảm giá đối với hàng tồn kho để cạnh tranh với thép ngoại nhập giá rẻ.
Điển hình tại Hà Tĩnh, sản lượng sản xuất và sản lượng thép tiêu thụ trong nước của Formosa Hà Tĩnh đã có sự sụt giảm rõ nét, cụ thể: Tháng 7/2019, sản lượng sản xuất thép cuộn cán nóng của Formosa đạt khoảng 350 ngàn tấn, đến hết tháng 9 sản lượng chỉ đạt khoảng 300 ngàn tấn.
Về tiêu thụ, đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng, tháng 7/2019 tiêu thụ trong nước khoảng 320 ngàn tấn thì đến tháng 9 giảm xuống chỉ còn khoảng 250 ngàn tấn. Từ đây, sẽ kéo theo hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào để sản xuất cũng bị giảm sút; các ngành phụ trợ gặp không ít khó khăn.
Suy cho cùng, cũng là hệ lụy từ việc thép ngoại giá rẻ tràn vào thị trường Việt khiến doanh nghiệp nội “thiệt thòi”.
VLXD.org (TH/ Reatimes)