Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Nghiên cứu, phổ biến Đề án hoàn thiện hệ thống TCQC kỹ thuật xây dựng theo định hướng mới, thúc đẩy vai trò quản lý của Nhà nước và đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động xây dựng” do Báo Xây dựng tổ chức, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) cho biết, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nhiều năm qua vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Nhiều khiếm khuyết
Đơn cử trong cuộc phát triển vật liệu xây dựng không nung hướng tới làm gạch nhẹ, nhưng khi đó từ các nhà đầu tư đến các nhà tư vấn chưa hiểu thế nào là gạch nhẹ (ACC), nhiều đơn vị nhập thiết bị, công nghệ sản xuất từ các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, chính nước này cũng chỉ đi sao chép công nghệ của Đức và không nắm rõ được thấu đáo về thiết bị, do đó cho ra những sản phẩm không hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự phát triển quá ồ ạt của gạch bê tông, không đúng tiêu chuẩn, sản xuất bằng các thiết bị thủ công nên chất lượng không đồng đều, bảo dưỡng không đúng cách, chưa đủ 28 ngày đã đưa vào sử dụng. Tất cả những điều đó tạo nên khiếm khuyết trong phát triển vật liệu xây dựng không nung. Và hệ quả để lại chính là sau khi xây dựng không lâu thì tường bị nứt, người dân hoài nghi về loại gạch mới.
Thứ hai, trước đây có rất nhiều cơ sở đào tạo công nhân, kỹ thuật, công nhân các bậc, nhưng hiện không có công nhân chuyên ngành, do đó chất lượng thi công không phù hợp, công trình không đạt chất lượng.
Cho đến năm 2010, khi Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung 2020, các quy trình, các hướng dẫn sử dụng vẫn chưa đầy đủ, gây lúng túng cho đơn vị sản xuất. Mãi đến 2 – 3 năm gần đây, các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể mới ra đời, giải quyết một phần nào đó các vướng mắc.
Chủ tịch VABM cũng cho biết, hiện xuất khẩu nhiều loại VLXD với giá rẻ, lại chưa tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm, phế thải của các ngành sản xuất khác làm VLXD, ngoài gạch không nung, các loại vật liệu xây dựng khác chưa được chú trọng phổ biến nhiều.
Do đó, theo ông Nga, trong chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới nên định hướng ưu tiên đầu tư dự án vật liệu xây dựng mới, đặc biệt là những loại vật liệu mà Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh, chứ không phải vật liệu mới nào cũng nghiên cứu, sản xuất.
Đồng thời, việc xuất khẩu vật liệu xây dựng cũng cần đánh giá xuất khẩu gì có lợi, lưu ý các vấn đề liên quan đến môi trường, chi phí tiêu hao nguyên liệu tự nhiên và năng lượng; mức độ tiên tiến về công nghệ và tái sử dụng các chất thải.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng thông tin, ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ–Ttg phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để thực hiện thành công Chiến lược là hoàn thiện về thể chế, chính sách.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo phụ tùng thay thế nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, máy móc trong khai thác, chế biến nguyên liệu và sản xuất VLXD.
Mặt khác, Quyết định số 1266/QĐ–Ttg cũng xác định rõ 2 nhiệm vụ rất quan trọng của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất để góp phần vào công cuộc phát triển ngành VLXD trong thời gian tới.
Một là thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh; nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng tối đa phế thải công nghiệp, chất thải đô thị và nông thôn, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất VLXD để phát triển ngành theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Hai là đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hoá cao, từng bước áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quy trình sản xuất và hệ thống quản lý.
Nhưng để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ nêu trên, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để có điều kiện thuận lợi được tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất.
Trong đó, về cơ chế chính sách, các cơ quan chức năng cần phải đảm bảo hiệu quả thực thi từ khâu ban hành chính sách đến khâu xét duyệt hồ sơ, đồng thời cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn và công nghệ hỗ trợ nhanh nhất.
Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ.
“Về phía doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao tiềm lực tài chính của mình, xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tăng cường hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến mới của thế giới” – ông Bắc nhấn mạnh.
VLXD.org (TH/ DĐDN)