Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xi măng sẽ tăng giá bán nếu giá điện tăng

26/04/2023 - 08:17 SA

Trước áp lực việc giá điện tăng, các doanh nghiệp Xi măng buộc phải tăng giá bán để bù lỗ khi chi phí điện chiếm khoảng 15-20% giá thành sản xuất. Trong năm 2022, các nhà máy sản xuất xi măng đã có 3 lần tăng giá bán do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm sản xuất xi măng liên tục tăng.
>> Giá xi măng tăng 5-6%
>> Khi chưa có xi măng, người ta dùng vật liệu gì để xây nhà?
>> Lịch sử hình thành ngành xi măng Việt Nam


Các nhà máy sản xuất xi măng sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí sản xuất nếu giá điện tăng

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương ứng tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương ứng tăng 28,2%).

Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là căn cứ để Bộ Công Thương tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Trên thực tế, việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng domino tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, xi măng tới các nhu yếu phẩm... Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dù về lý thuyết, mức tăng giá điện được tính vào giá thành sản phẩm, nhưng thực tế, họ rất ngại tăng giá sản phẩm vì lo ngại sức mua giảm sút, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ do tăng lượng hàng tồn kho.

Đối với ngành xi măng, trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chi phí điện chiếm khoảng 15-20%. Trong khi đó, tỷ trọng than chiếm từ 40-45% giá thành sản xuất clinker, tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau.

Trong năm 2022 và hiện nay, giá than đã chiếm tới 56% giá thành sản xuất, còn tỷ trọng của giá điện chiếm tới 35%. Do đó, việc tăng giá điện sẽ tác động rất lớn đến giá thành sản xuất.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa tổ chức mới đây, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Xi măng Hà Tiên cho biết hiện chưa có quyết định chính thức về tăng giá điện, công ty vẫn đang nghe ngóng và chuẩn bị các phương án về giá bán sản phẩm.

Năm 2023, Xi măng Hà Tiên dự kiến khung giá bán lẻ điện bình quân tăng, dự báo chi phí phí điện sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng. Đồng thời, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao.

Theo ông Cường, mong muốn của các đơn vị sản xuất và các công ty đều muốn tăng giá cả, nhưng theo chỉ định của tập đoàn hiện tại cần bình ổn giá, phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng thông qua việc giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh để gia tăng thêm nguồn lực tạo thêm lợi thế cho thị trường.

Lãnh đạo Xi măng Hà Tiên chia sẻ, khi nào điện tăng giá thì lúc đó chủ trương của công ty cũng như các đơn vị thành viên sẽ có điều chỉnh tăng giá để bù đắp đủ chi phí sản xuất.

Trong năm 2022, các nhà máy sản xuất xi măng đã có 3 lần tăng giá bán với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân được các đơn vị đưa ra là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm sản xuất xi măng liên tục tăng.

Cụ thể, lần điều chỉnh giá xi măng gần đây nhất là hồi tháng 6/2022 vừa qua. Khi đó, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000-80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Hiện giá xi măng đang ở mức trung bình khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tấn.

VLXD.org (TH/ cafeland)

Thương hiệu vật liệu xây dựng