>> Doanh nghiệp xây dựng dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2023
>> 5 kiến nghị của doanh nghiệp ngành xây dựng
>> Doanh nghiệp xây dựng chuyển hướng làm nhà tiền chế giá rẻ
Đối diện thách thức
Theo Báo cáo của Vietnam Report, ngành Vật liệu xây dựng trong năm nay và cả năm sau sẽ phải đương đầu với những trở ngại về biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát và ngấm đòn từ suy thoái kinh tế.
Theo báo cáo của Vietnam Report, mức độ ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế được dự báo sẽ lan rộng hơn tới 85,7% số doanh nghiệp trong khoảng 12 - 18 tháng tới.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu vật liệu xây dựng suy yếu. Những rào cản thương mại của các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam vất vả hơn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ sắt, thép trong 3 tháng đầu năm nay giảm 24,9%, clinker và xi măng cũng giảm 25,5%.
Trong nước, lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, dự báo giá vật liệu xây dựng năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.
Hơn nữa, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung cũng gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp.
Dự báo về triển vọng kinh doanh của ngành Vật liệu xây dựng trong năm 2023, Vietnam Report cho rằng, đa số các doanh nghiệp sẽ giữ thái độ thận trọng.
Cụ thể, trên thang điểm 5, lĩnh vực xi măng đạt 2,8 điểm, trong khi gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 2,9 điểm và lĩnh vực sắt, thép, tôn đạt 3,0 điểm.
Trợ lực chính là đầu tư công
Phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định rằng, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực khác là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được đổ vào Việt Nam nhờ sự ổn định về chính trị, môi trường kinh doanh và sức phát triển lớn tại thị trường nội địa. Trong năm 2022, đây cũng là một nguồn lực quan trọng, khi ước tính các dự án đầu tư nước ngoài FDI đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai khả quan trong nửa sau của năm 2023 từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát. Đặc biệt, các yếu tố liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đóng vai trò rất lớn tới sức bật của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Các gói tín dụng cho nhà ở xã hội hay việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường bất động sản của Chính phủ sẽ khơi thông những dự án bất động sản triển khai dang dở ở giai đoạn trước, giúp thúc đẩy tăng trưởng "hệ sinh thái" đi cùng như xây dựng và vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, việc chính sách Zero-COVIDđược gỡ bỏ và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sắt thép, xi măng lớn nhất của Việt Nam được cho là động lực quan trọng cho thị trường vật liệu xây dựng trong năm nay.
Vietnam Report vừa công bố danh sách Top 10 công ty Vật liệu xây dựng năm 2023 trong nghiên cứu về thị trường ngành năm nay. Theo đó, Hòa Phát dẫn đầu danh sách, tiếp sau lần lượt là Vicostone, Viglacera, Tập đoàn Hoa Sen, Gỗ An Cường, Nhựa Tiền Phong, Xi măng Vicem Hà Tiên và Eurowindow.
VLXD.org (TH/ tapchitaichinh)