Theo đánh giá của chuyên gia thuế, đây là chủ trương hợp lý và đúng đắn bởi góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.
"Giải cứu" gần 1.400 doanh nghiệp Nhà nước và hơn 500.000 cá nhân, hộ gia đình
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế của toàn ngành tính đến thời điểm cuối tháng 6/2013 là 64.632 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ khó thu chiếm tỷ trọng 13,2%.
Số nợ thuế khó thu hồi tăng cao là do nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn đã ngừng kinh doanh, giải thể nhưng không có khả năng thanh toán số tiền nợ thuế, tiền phạt. Những khoản nợ này tồn đọng qua nhiều năm và khó có khả năng thu hồi vào ngân sách.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007.
Theo đó, đối tượng được xem xét để xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 bao gồm hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh.
Doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 cũng thuộc đối tượng này.
Ngoài ra, việc thực hiện xóa nợ thuế còn được thực hiện đối với doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc khi chuyển thành công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện giao, bán đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà khoản tiền thuế, tiền phạt đó không được tính vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán thuộc diện được xóa nợ thuế.
Với những quy định trên, số trường hợp được xóa nợ sẽ bao gồm hơn 500.000 hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh và gần 1400 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã giải thể, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007.
Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, nợ thuế phát sinh là một thực tế khách quan trong quản lý nhà nước về thuế và thu ngân sách nhà nước.
Nợ thuế có thể phát sinh trong các trường hợp: doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn tài chính do khách quan (khủng hoảng tài chính, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ ...) sản xuất kinh doanh bị đình trệ dẫn đến phải giải thể, phá sản; các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang hình thức công ty cổ phẩn; cá nhân kinh doanh, hộ gia đình gặp phải khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, người kinh doanh chết; người nộp thuế chây ỳ, lừa đảo trong kinh doanh, bỏ trốn khỏi nơi kinh doanh để chiếm đoạt tiền thuế …
Nợ thuế cũng có nguyên nhân chủ quan như các quy định của chính sách thuế, cơ chế quản lý thuế chưa hợp lý, thiếu hiệu lực. Công tác quản lý của các cơ quan quản lý thuế và cán bộ thuế không tuân thủ đúng quy định, buông lỏng quản lý. Cơ quan chủ quản khi thực hiện thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thiếu phối hợp với cơ quan thuế, sơ xuất khi xác định giá trị doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính nên bỏ sót các khoản thuế còn phải nộp…
Bởi vậy, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ hướng dẫn xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 là một chủ trương hợp lý và đúng đắn. Thông qua đó, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn đọng cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh góp phần khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế quốc dân trong tình hình khó khăn hiện nay.
Thực tế, thời gian qua, việc phải tổ chức theo dõi hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân và hàng ngàn doanh nghiệp nợ thuế nhưng không có khả năng thu được, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện, làm gia tăng tỷ lệ nợ đọng thuế khiến hiệu quả công tác quản lý thuế giảm.
Một số địa bàn có số lượng hộ gia đình, cá nhân thuộc các trường hợp nợ thuế chiếm tỷ trọng lớn trong số đối tượng quản lý, tạo ra gánh nặng trong công việc hàng ngày, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.
Do vậy, đồng quan điểm với ông Cư, các chuyên gia thuế khác cũng cho rằng, việc xóa được các khoản nợ thuế trước 1/7/2007 tuy không lớn, nhưng giúp cho cơ quan thuế có điều kiện tập trung nguồn nhân lực đôn đốc thu kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản nợ đọng lớn, góp phần hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước.
Sẽ khó tạo tiền lệ xấu
Trước việc Bộ Tài Chính đưa ra thông tư dự thảo về vấn đề xóa nợ thuế, một số ý kiến lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu khiến doanh nghiệp, người nộp thuế chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ thuế để chờ được xóa nợ.
Tuy nhiên, theo ông Cư, các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành về xóa nợ thuế rất chặt chẽ. Hướng dẫn của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư cụ thể, khách quan bởi có sự trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, các tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp đại diện cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Theo đó, sẽ không có kẽ hở cho sự lợi dụng các quy định này như là một tiền lệ.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia thuế cũng khẳng định, theo kinh nghiệm các nước, nếu tỷ lệ tiền thuế nợ hàng năm trên tổng thu ngân sách dưới 5% chứng tỏ cơ quan thuế quản lý có hiệu quả. Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ nợ khó thu trên tổng thu ngân sách chỉ hơn 1% nên tình hình thực tế và việc xử lý các khoản tiền nợ thuế theo chính sách hiện hành hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Ông Cư cũng nhấn mạnh, với các đối tượng được xem xét xóa các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2007 và các quy định về các điều kiện được xem xét xóa nợ tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính có thể khẳng định rằng, các khoản nợ thuế đều phát sinh trong các hoàn cảnh đặt biệt, khách quan, không còn đối tượng để truy thu, không có khả năng thu hồi.
Như vậy, nhìn chung chỉ các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa đang bị lỗ thì mới thuộc diện xóa các khoản nợ thuế. Ý nghĩa tích cực của việc này là Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty cổ phần hình thành từ doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa không phải gánh chịu các khó khăn, tồn tại từ doanh nghiệp Nhà nước trước đó.
Mặt khác, xét trên khía cạnh công bằng xã hội, Nhà nước không thể bắt các công ty cổ phần ra đời từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải chịu các khoản nợ thuế không phải do các công ty đó tạo ra.
Đối với cá nhân kinh doanh, hộ gia đình cũng vậy, khi người kinh doanh ốm đau, chết, không còn kinh doanh, không thể bắt các Cá cược game
khác như vợ, con họ phải trả thuế thay họ trừ khi người kinh doanh còn tài sản và các nguồn tài chính khác đủ để trả các khoản nợ thuế. Việc thu hồi nợ thuế cũng phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu của họ và thân nhân sống phụ thuộc vào người kinh doanh.
Theo TTXVN