Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh trái ngược trong ngành thép

12/05/2014 - 02:53 CH

Việc VNSteel lỗ nặng trong khi các doanh nghiệp thép khác từng thua xa VNSteel lại lãi tốt hay phát triển mạnh mẽ, cho thấy năng lực quản trị của VNSteel hiện nay đang có vấn đề.
Tổng Công ty chịu thua lỗ

Trong Báo cáo thường niên 2013 của VNSteel, nhiều sứ mệnh và chiến lược ấn tượng đã được đặt ra. Trong đó có việc trở thành một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu, cung cấp sản phẩm thép chất lượng cao với năng lực cạnh tranh thông qua chi phí thấp nhất Việt Nam, tranh thủ lợi thế từ việc tích hợp nguyên liệu thô.
      

Việc VNSteel lỗ nặng cho thấy năng lực quản trị của công ty này có vấn đề.     

Tuy nhiên, trái với mong muốn khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 10/2011 và sự kỳ vọng vào một tên tuổi lớn trong ngành thép bấy lâu, VNSteel nhanh chóng có những khoản lỗ khủng. 

Lý do khiến VNSeel tiếp tục có một năm 2013 làm ăn bết bát có sự đóng góp của nhiều công ty con và công ty liên kết. Với mức lãi đều thấp hơn năm trước, 7 công ty con của VNSteel có lãi 71,98 tỷ đồng và 5 công ty con bị lỗ tới 361,83 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ của các công ty con phần lớn do hiệu quả kinh doanh thấp, trong khi phải trích lập dự phòng, phải thu khó đòi quá lớn. Số trích lập dự phòng năm 2013 tại các công ty con là 400 tỷ đồng, dẫn tới khối công ty con có số lỗ lớn như kể trên. Ngoài ra, một số công ty con mất cân đối giữa nguồn dài hạn và tài sản dài hạn dẫn đến rủi ro thanh toán trong ngắn hạn là các công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Tôn mạ VNSteel Thăng Long, Kim khí Bắc Thái.

Dĩ nhiên, báo cáo thường niên của VNSteel cũng biện hộ cho sự thua lỗ này khi cho rằng, thị trường thép Việt Nam năm 2013 thu hẹp cả về giá và nhu cầu, mà cụ thể, nhu cầu tại khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 5,43% (nhưng chỉ thấp hơn con số 5,75% của năm 2012- PV) và giá bình quân của sản phẩm thép cũng giảm phổ biến từ 5-10% so với năm 2012.

Mặc dù Công ty mẹ - VNSteel đã giảm chi phí bán hàng tới 32,49 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,47%; chi phí quản lý giảm 37,126 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 14,5% so với năm 2012; chi phí lãi vay vốn lưu động giảm 147,62 tỷ đồng, tương ứng giảm 30,93%, hay chi phí luyện thép giảm 6,38%, chi phí cán thép giảm 6,77%, nhưng VNSteel vẫn thua lỗ 289,9 tỷ đồng. Đáng nói là, phần tiết giảm các chi phí này cũng đã xấp xỉ 220 tỷ đồng, không chênh là mấy so với “thành tích” giảm được 249 tỷ đồng lỗ trong năm 2013 so với năm 2012.

Với kết quả trên, Tổng giám đốc VNSteel Lê Phú Hưng đã bị mất chức và chuyển về Bộ Công thương làm chuyên viên trong tháng 4/2014. Trả lời câu hỏi về việc Bộ Công thương sẽ xử lý trách nhiệm để thua lỗ tại VN Steel ra sao với ông Lê Phú Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, con số lỗ bao nhiêu “là do chúng ta nói thôi, còn con số lỗ chính thức phải do cơ quan có thẩm quyền, kiểm toán báo cáo”.

“Trách nhiệm của tập thể như thế nào, cá nhân như thế nào trong việc thất thoát vốn nhà nước thì phải tuân theo quy định chung, Bộ Công thương sẽ làm đúng quy định của pháp luật”, ông Hải nói.

Tư nhân vẫn lãi khủng

Trái ngược với con số lỗ khủng và sự tụt dốc mạnh tại VNSteel, hai doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành thép từng ở vị trí kém rất xa VNSteel đã có nhiều đột phá mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) kết thúc năm 2013 với doanh thu đạt 19.200 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế 2.010 tỷ đồng, tăng ngoạn mục so với năm 2012, với mức tăng lần lượt là 12% và 95%.

Đáng chú ý là, nhóm ngành sản xuất thép và các lĩnh vực liên quan vẫn là mảng sản xuất - kinh doanh có đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG, với lần lượt là 79% và 83%. Nghĩa là mảng thép và các lĩnh vực liên quan như sản xuất quặng, luyện phôi của HPG đã đạt lợi nhuận sau thuế tới 1.668 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, lợi nhuận sau thuế của nhóm ngành sản xuất thép và lĩnh vực liên quan này đã mang lại lợi nhuận sau thuế 730 tỷ đồng cho HPG. Thị phần của HPG năm 2013 đạt 15,2%, tăng so với mức 13,7% năm 2012 trước đó.

Tại Công ty cổ phần Thép Pomina và các công ty con, tuy năm 2013 lỗ (năm 2012 lãi 4 tỷ đồng), nhưng từ tháng 3 đã có nhiều tiến triển với số lãi 22 tỷ đồng. Công ty cũng đặt mục tiêu năm 2014 đạt lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành thép, hoạt động của Pomina trong 2 năm gần đây còn khó khăn do đi vào hoạt động đúng giai đoạn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, công suất toàn Pomina huy động mới đạt 47,8% công suất thiết kế (717.000 tấn/1.500.000 tấn), chưa đạt điểm hòa vốn, nên phải gánh nặng chi phí khấu hao và lãi vay đầu tư lớn. Tuy nhiên, Pomina hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, với công suất luyện phôi tới 1,5 triệu tấn và cán thép xây dựng 1,1 triệu tấn.

Xét về thị phần, Pomina hiện cũng là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, với 15,9% trong năm 2013, trên cả HPG. Hơn nữa, Pomina chỉ tập trung vào một ngành nghề là sản xuất thép, nên cơ hội để bật dậy từ năm 2013 là rất nhiều.

Thực tế đáng buồn là, trong khi ngành thép hút được nhiều dự án lớn vào đầu tư, thì VNSteel vẫn mất hút. Ngay dự án được trông mong nhất là cải tạo và mở rộng tại Gang thép Thái Nguyên, thì dù đã triển khai vài ba năm, nhưng vẫn chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Bởi vậy, việc thay Tổng giám đốc VNSteel, với gương mặt mới là ông Nghiêm Xuân Đa, người từng kinh qua vị trí Kế toán trưởng của VNSteel cũng cho thấy mong muốn có nhiều thay đổi trong quản lý tại VNSteel. Tuy nhiên, nếu không thay đổi mạnh về phương pháp quản trị thì cơ hội kiếm tiền từ thép của cổ đông nhà nước xem ra chưa có nhiều hy vọng.

Theo Đầu tư

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng