Khi Công ty cổ phần Sado Group khánh thành và đưa vào sản xuất giai đoạn I, Nhà máy Gia công kính công nghệ Đức (xã Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), với số vốn trên 500 tỷ đồng vào đầu tháng 3 năm nay, đã khiến giới kinh doanh vật liệu xây dựng thực sự ngạc nhiên. Bởi lẽ, thị trường vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng theo bất động sản, nên ở thời điểm đó, không mấy ai có đủ tự tin xin giấy phép đầu tư vào lĩnh vực này, nói gì đến việc đầu tư một nhà máy quy mô lớn.
Tuy nhiên, khi phát biểu tại buổi lễ khánh thành Nhà máy, ông Nguyễn Công Chính, Tổng giám đốc Sado Group lại cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để vận hành Nhà máy, chiến lược của Công ty rất rõ ràng là, sản xuất kính cao cấp thay thế hàng nhập khẩu và để xuất khẩu.
Với năng lượng tràn đầy, ông Nguyễn Công Chính cho biết, phía đối tác đánh giá cao công nghệ của Sado Group và hứa hẹn nhiều sự hợp tác trong tương lai.
Ngồi trước con người đã từng gây sốc cho giới sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng ấy, tôi mạnh dạn hỏi ông: “Đã có nhiều người nghĩ, ông “không bình thường” khi động thổ nhà máy với mức đầu tư lớn (riêng giai đoạn I đã là 500 tỷ đồng) lại đúng vào thời điểm thị trường rơi vào đáy khủng hoảng kinh tế thế giới (tháng 7/2012))”? Tuy vậy, tôi thật sự bất ngờ bởi sự đơn giản trong câu trả lời, khi ông Nguyễn Công Chính nói: “Theo quy luật, nền kinh tế, cũng như con người, ốm rồi sẽ khỏe trở lại”.
Với cái đầu lạnh của một người từng lăn lộn quá nửa đời người kinh doanh tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông đã nghiên cứu kỹ thị trường và thấy rằng, dù đã có 3 nhà máy sản xuất kính nổi (Công ty Liên doanh Kính Việt Nhật, Kính nổi Bình Dương của Viglacera và Kính nổi Chu Lai), nhưng hàng năm, Việt Nam vẫn phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ lớn để nhập hàng triệu mét vuông kính xây dựng chất lượng cao phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước. Vì vậy, ông tự tin nhà máy của Sado Group với công suất 18 triệu m2 kính sản phẩm/năm sẽ góp phần thay thế hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Công Chính quê gốc Nghệ An. Thân phụ là sĩ quan quân đội, cống hiến cả đời cho quân đội, mẹ ông cũng thoát ly hoạt động cách mạng. Thời bao cấp, những năm 80 của thế kỷ trước, ông Chính thi đủ điểm để được một suất du học ngành công nghệ điện máy tại Đông Đức. Đến năm 1990, tốt nghiệp đại học, ông không đi làm cho các công ty, mà ra kinh doanh riêng trong lĩnh vực dịch vụ, chuyển giao công nghệ từ Đức về Việt Nam và du lịch. Hiện vợ và hai người con của ông Chính vẫn đang sinh sống tại Đức.
Theo ông Chính, ở Đức, biết rằng rất khó chen chân vào lĩnh vực công nghệ ở một đất nước đã có bề dày mấy trăm năm về lĩnh vực này, nên hầu hết người Việt chỉ tham gia vào khối dịch vụ. Ngược lại, tại Việt Nam, công nghệ máy móc, đặc biệt là công nghệ cao vẫn thiếu nhiều, nên cơ hội từ thị trường này là rất lớn. Phát hiện ra “lỗ hổng của thị trường”, cộng với suy nghĩ phải làm gì đó đóng góp cho quê hương đã thôi thúc ông trở về Việt Nam đầu tư.
Từ năm 2008, ông thường dành thời gian tham quan các triển lãm ở Đức và đặc biệt ấn tượng với các sản phẩm kính cao cấp. Ông tự hỏi: “Tại sao ở Đức - một nước đã phát triển như vậy, mà hàng năm họ vẫn phải nghiên cứu ra các sản phẩm mới từ kính?”.
Tìm hiểu thêm ông được biết, ở Đức, cứ 1 triệu người, thì có một nhà máy kính cao cấp hoạt động rất tốt. Trong khi ở Việt Nam có tới 90 triệu dân, nhưng chỉ có vài nhà máy và không có nhà máy kính nào có sản phẩm phẩm cao cấp, hễ đụng đến sản phẩm cao cấp là phải nhập khẩu.
“Phân khúc thị trường Việt Nam vẫn còn lỗ hổng, có cơ hội để đầu tư. Và đầu tư ở đây là phân khúc sản phẩm cao cấp và cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ nước ngoài về, chứ không phải nhắm đến cạnh tranh với các nhà sản xuất kính trong nước. Thay vào đó, chúng tôi cùng với họ đồng hành, đồng bộ để làm sao Việt Nam có thể cung cấp tất cả các sản phẩm kính từ cao cấp nhất đến các dòng sản phẩm chất lượng vừa phải”, ông Chính cho biết.
Sado Group hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm kính cao cấp với khổ lớn đến 3 x 6 m, đảm bảo tính cách âm, cách nhiệt với tiêu chuẩn châu Âu và Cộng hòa Liên bang Đức, được nghiên cứu chuyên biệt hóa để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, hoàn toàn có thể thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU và các nước trong khu vực.
Mới đây, một doanh nghiệp của Đức là Công ty Schneider Bruederer đã liên hệ đặt hàng của Sado Group. Nhiều nhà cung cấp vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới khi hay tin Sado Group khánh thành nhà máy cũng đã tìm gặp ông Chính. Sau khi thăm nhà máy, họ nói rằng, sẵn sàng cấp chứng chỉ để Công ty có thể xuất khẩu sản phẩm ngay. Điều này cho thấy, sự tin tưởng của các đơn vị này vào công nghệ cao của Sado Group.
Giờ đây, khi nhà máy đã đi vào vận hành giai đoạn I, ông Nguyễn Công Chính lại tất bật chuẩn bị cho kế hoạch mới, dài hơi hơn. Ông bảo, tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư và khi giai đoạn I có thị trường ổn định, sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn II, khả năng trong 2 - 3 năm tới và chiến lược là trong vòng 5 năm, sẽ hoàn chỉnh giai đoạn II của Nhà máy.
“Tôi không muốn doanh nghiệp mình sẽ trở thành số 1, số 2 ở Việt Nam, mà chỉ muốn đóng góp để cùng hình thành nên một hệ thống có thể tự cung, tự cấp cho chiến lược Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Chính nói.
Rồi ông hào hứng kể, lúc xây dựng văn phòng nhà máy Sado Group, rất nhiều nhà cung cấp đã đến chào bán vật tư thiết bị văn phòng với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 so với giá các mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước, nhưng ông đều từ chối và chấp nhận mua gạch Đồng Tâm, bàn ghế đồ gỗ của Hòa Phát, dây điện của Cadivi, vì ông muốn chính ông phải ủng hộ hàng sản xuất trong nước trước khi muốn các nhà sản xuất trong nước ủng hộ sản phẩm của công ty mình…
Trong suốt buổi tiếp, câu chuyện của chúng tôi hầu như chỉ xoay quanh duy nhất một chủ đề. Đó là, người Việt đầu tư nhà máy công nghệ cao mà thôi và tất nhiên cũng chẳng có gì khác hơn là, Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang các nước vốn là cái nôi của công nghệ cao như Đức, Mỹ, Nhật… Ông Chính, với nỗ lực không biết mệt mỏi như chỉ để chứng minh một điều, chẳng hề thua kém, người Việt ta cũng có thể tự làm ra những sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng chất xám cao.
Khi nghe chất giọng miền Trung trong ông vẫn còn rất nặng, dù đã hơn 1/3 thế kỷ phiêu bạt xứ người, tự nhiên trong tôi có một liên tưởng: có lẽ, chính sự không phôi pha ấy, chính chất của người miền Trung ấy đã hun đúc nên ham muốn, ấy là tạo ra sản phẩm công nghệ cao Made in Vietnam.
Ông Chính tự tin rằng, nhà máy của Sado Group với công suất 18 triệu m2 kính sản phẩm/năm sẽ góp phần thay thế hàng nhập khẩu.
Theo Báo Đầu tư