Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Lỗ lũy kế 6.000 tỷ, Xi măng Công Thanh lên kế hoạch 2023 âm tiếp 800 tỷ

22/05/2023 - 02:17 CH

Ngày 9/6 tới, CTCP Xi măng Công Thanh sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên đề bàn về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu tăng gần 21% nhưng tiếp tục chìm trong thua lỗ. Xi măng Công Thanh tiếp tục lỗ khủng nhất từ trước tới nay với 1.182 tỷ đồng.
>> Tăng giá bán các sản phẩm Xi măng Công Thanh tại khu vực miền Trung
>> Xi măng Công Thanh bị phạt do chậm niêm yết chứng khoán
>> Dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Công Thanh ra lò mẻ xi măng đầu tiên

Kế hoạch 2023 lỗ năm thứ 8 liên tiếp với gần 800 tỷ đồng

Nhận định về triển vọng thị trường nội địa năm 2023, Xi măng Công Thanh dự báo khó khăn tiếp tục bủa vây ngành xi măng, sản xuất và tiêu thụ chưa thể sáng hơn do chi phí đầu vào tiếp đà tăng (giá than, vỏ bao, tiền lương, và có thể là giá điện sẽ được điều chỉnh...).
 

Trong khi khâu tiêu thụ nội địa vẫn u ám, do xây dựng dân dụng phục hồi chậm; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng do Nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản.

Ngoài ra, kênh xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng, Trung Quốc phong tỏa cảng biển do vẫn duy trì chính sách Zero Covid).

Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10% (theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ). Ngoài ra, còn khó khăn từ nội tại ngành khi nguồn cung xi măng vượt cao so với nhu cầu.

Theo dự báo của World Bank, giá than Úc trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 31% về mức 240 USD/tấn và vẫn sẽ cao hơn mức giá trung bình 5 năm trở lại đây. Giá điện vẫn sẽ giữ nguyên khi các doanh nghiệp sản xuất điện gặp khó khăn trong việc đàm phán một mức sản lượng hợp đồng tốt trong năm 2023.

Dự kiến giá xi măng 2023 sẽ có cùng xu hướng biến động với giá than Úc với mức giảm khoảng 5% về khoảng giá 1,54 triệu đồng/tấn so với 2022 do chi phí đầu vào vẫn neo ở mức cao và chưa thể trở lại mức giá trước dịch COVID 19.

Trong bối cảnh đó, Xi măng Công Thanh đặt kế hoạch sản lượng sản xuất 2,6 triệu tấn, tăng gần 27% so năm trước. Còn sản lượng tiêu thụ tăng mạnh hơn với 51% lên 2,1 triệu tấn.

Từ đó doanh thu thuần dự tăng 21% lên 1.926 tỷ đồng nhưng công ty vẫn tiếp tục chìm trong thua lỗ với 796 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 1.181 tỷ của năm 2022, ghi nhận năm thứ 7 liên tiếp Xi măng Công Thanh chưa thể có lãi.

Lỗ luỹ kế hơn 6.000 tỷ, kiểm toán từ chối cho ý kiến, nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động

Nhìn lại năm 2022, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Xi măng Công Thanh lần lượt đạt 43% và 46% so với kế hoạch đề ra, và giảm 49% và 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu thuần đạt 1.596 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 45% kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên thu không đủ bù chi, Xi măng Công Thanh tiếp tục lỗ khủng nhất từ trước tới nay với 1.182 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của Xi măng Công Thanh.

Năm 2022, Xi măng Công Thanh đã phát sinh khoản lỗ gần 1.182 tỷ đồng và cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của Công ty lên tới 6.079 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 5.180 tỷ đồng.

Ngoài ra, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.293 tỷ đồng cho VietinBank. Khoản vay ngắn hạn với số tiền là 288 tỷ đồng cho SHB và tổng tiền lãi vay quá hạn là 316 tỷ đồng cho các ngân hàng này.

Theo đơn vị kiểm toán, những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Mặc dù ban Tổng Giám đốc đã lập báo cáo tài chính trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục. Tuy nhiên, ban Tổng Giám đốc không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra. Dựa theo các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để soạn lập báo cáo tài chính này là phù hợp. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định các điều chỉnh cần thiết đối với báo cáo tài chính này.
 

Liên quan đến vấn đề này, Tổng giám đốc Xi măng Công Thanh cho biết, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc vẫn còn hạn chế do các tác động nghiêm trọng và tín hiệu phục hồi của thị trường xi măng chưa được khả quan sau dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019. Mặc dù vậy, HĐQT và ban Tổng Giám đốc Xi măng Công Thanh vẫn cố gắng vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm những cơ hội và thị trường tiềm năng để duy trì doanh thu.

Năm 2022, Công ty đã thanh toán hơn 234 tỷ đồng cho các khoản vay tại Ngân hàng. Đây là nỗ lực rất lớn của ban Lãnh đạo Công ty nhằm đối với các nghĩa vụ nợ vay cho các khoản vay của Công ty với các ngân hàng trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn và Công ty đang gặp nhiều khó khăn. Các khoản vay của Công ty là các khoản vay có tài sản bảo đảm.

Công ty đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nhân sự, hoàn thiện quy trình sản xuất, quản trị nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển trong tương lai.

Hiện tại, Xi măng Công Thanh đang làm việc với các đối tác để có các phương án tái cấu trúc tài chính tối ưu nhất cho Công ty. Ngoài vấn đề nêu trên, ban Tổng Giám đốc Công ty đã thực hiện các đánh giá và tin tưởng rằng Công ty vẫn tiếp tục tạo ra dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng trả nợ vay và hoạt động liên tục trong các năm tiếp theo.

Xi măng Công Thanh có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Công Lý là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 57,2%, CTCP Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai 10%, Financiere Lafarge SA sở hữu 5%.

VLXD.org (TH/ Vietnamdaily)

Thương hiệu vật liệu xây dựng