Ngày 13/12, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ, cùng các Sở, ngành chức năng có buổi làm việc với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) nghe báo cáo kết quả nghiên cứu phương pháp tích hợp ngân hàng cát vào kế hoạch quản lý khai thác cát trên địa bàn TP. Cần Thơ.
WWF - Việt Nam đang thực hiện Dự án Quản lý cát bền vững (IKI SMP) ĐBSCL, với các hành động nhằm cải thiện chính sách và thực hiện khai thác cát bền vững, giúp nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL; hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển các vật liệu thay thế để giảm thiểu hoạt động khai thác cát không bền vững. Hiện vùng ĐBSCL có trữ lượng cát ở đáy sông từ 367 - 550 triệu m³. Tổng trữ lượng cát này được tính toán chủ yếu dựa trên lớp cát di động. Hiện nay tốc độ khai thác cát ở ĐBSCL từ 33 - 55 triệu m³/năm, trong khi lượng cát từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng từ 2 - 4 triệu m³, lượng cát rời khỏi đồng bằng (đổ ra biển) từ 0 - 0,6 m³/năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác cát như hiện tại, trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng…
Tại buổi làm việc, WWF - Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá trữ lượng, khả năng cung cấp của 8 loại vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam. Nghiên cứu này tập trung đối với 8 loại vật liệu có khả năng thay thế: cát nghiền, tro trấu, tro bã mía, xà bần, thủy tinh phế thải, xỉ lò cao, cao su thải, xỉ đáy. Tích hợp kết quả ngân hàng cát cho TP. Cần Thơ cũng được báo cáo tại buổi làm việc. Qua đó, TP. Cần Thơ có trữ lượng các mỏ theo lớp cát di động, đồng thời còn có 5 vị trí có thể khai thác cát. Tuy nhiên quá trình khai thác cát cần xem xét rủi ro sạt lở bờ sông, cần đánh giá lợi ích kinh tế và các chi phí khắc phục khi khai thác cát… Bên cạnh đó, chỉ nên khai thác cát vào giai đoạn mùa khô, nhằm đảm bảo bờ sông ổn định vào giai đoạn này…
Ông Dương Tấn Hiển đánh giá cao kết quả nghiên cứu của WWF - Việt Nam và cho biết TP. Cần Thơ đang cần lượng cát khá lớn để phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn. Tuy nhiên, không vì xây dựng mà khai thác cát quá mức, làm ảnh hưởng môi trường, bờ sông dẫn đến sạt lở… Do đó, TP. Cần Thơ tăng cường quản lý khai thác cát, đồng thời đang cần các vật liệu thay thế phù hợp. Trong các vật thay thế mà WWF - Việt Nam đưa ra, ông Dương Tấn Hiển mong muốn WWF - Việt Nam nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn về cát nghiền, cát nhiễm mặn có thể thay thế cát nền xây dựng ở TP. Cần Thơ cũng như ở ĐBSCL…
VLXD.org (TH/ Báo Cần Thơ)
Ý kiến của bạn