>> Ngành xi măng cung vẫn vượt cầu
Doanh nghiệp nội tăng tốc
Hai năm trở lại đây được xem là khoảng thời gian phục hồi đối với các
doanh nghiệp ngành xi măng. Báo cáo của
Vicem cho thấy lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty này đã tăng từ 617 tỉ đồng lên 1.507 tỉ đồng trong năm 2014 và 2.792 tỉ đồng trong năm 2015. Với quy mô 25.000 tỉ đồng doanh thu, Vicem là 1 trong 3 người chơi chủ đạo tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, dù có các nhà máy lớn nhất tại Việt Nam, song nhóm người chơi nước ngoài như
LafargeHolcim và các liên doanh trong chuỗi
xi măng tại Việt Nam chưa phải là tất cả (chiếm 28% thị phần vào năm 2014, theo khảo sát của StoxPlus), số còn lại chia đều cho Vicem và các doanh nghiệp tư nhân.
Ngành
bất động sản phục hồi với nhiều dự án khởi động trở lại có thể là một nguyên nhân quan trọng giải thích cho động lực tăng trưởng của ngành
vật liệu xây dựng, mà ở đó xi măng đóng vai trò không thể thiếu. Với mức tăng trưởng tốt như vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi không chỉ các công ty nước ngoài tăng tốc mà các tập đoàn trong nước cũng không muốn chậm chân.
Có thể thấy hoạt động M&A tại thị trường xi măng đang sôi nổi hơn bao giờ hết. Ví dụ như Tập đoàn
Vissai mua lại Xi măng Đồng Bành, Hà Nam, Đô Lương (đổi tên thành Sông Lam 1), dự án từ Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (đổi tên thành Sông Lam 2). Tập đoàn Xuân Thành mua Xi măng Minh Tâm, Xi măng Hoàng Long thâu tóm Xi măng Sài Sơn, Vicem nhận sáp nhập Xi măng Hạ Long, Sông Đà, Sông Thao. Trước đó, Viettel đã thâu tóm Xi măng Hạ Long và Xi măng Cẩm Phả.
Bước chân người Thái
Là tập đoàn xi măng lớn thứ 2 tại Thái Lan, Siam City Cement (SCCC) thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường Việt Nam với toan tính mua lại 65%
cổ phần LafargeHolcim Việt Nam. Theo thông cáo của SCCC, thương vụ trị giá khoảng 479 triệu euro, tương đương 524 triệu USD. Thương vụ này còn chờ cơ quan quản lý và các cổ đông ở bên Thái thông qua, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV sắp tới.
Trên thực tế, Tập đoàn Holcim cũng có cổ phần trong SCCC và mới thoái vốn (27,5%) hồi đầu năm ngoái. Các công ty vật liệu xây dựng như SCCC được thành lập ở Thái Lan từ rất sớm, khoảng năm 1969 và gần 8 năm sau đã niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này. Thái Lan cũng được biết đến là một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng thuộc vào loại tốt trên thế giới. SCCC cũng là tập đoàn lớn của Thái Lan và bắt đầu bước chân sâu rộng hơn vào thị trường khu vực châu Á. Năm ngoái, SCCC đã mua lại công ty liên doanh cũng của Holcim ở Sri Lanka. Trong năm nay, SCCC đã thành lập liên doanh tại Campuchia và mua lại Cemex Cement ở Bangladesh, một tập đoàn chuyên
VLXD của Mexico.
Trước SCCC, cũng đã có một tập đoàn Thái Lan khác nhòm ngó thị trường xi măng. Đó là thương vụ SCG Cement mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai vào năm 2012. SCG Cement thuộc Tập đoàn SCG, hiện đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. Vào thời điểm 2012, SCG cũng mua lại 85% cổ phần của Prime Group (Việt Nam) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát các loại. Hoặc gần đây là các thương vụ trong ngành nhựa như Nhựa Tín thành, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh. Có thể thấy các lĩnh vực mà SCG đầu tư đều là những sản phẩm thuộc phân khúc vật liệu xây dựng.
Hãy trở lại với LafargeHolcim Việt Nam, liên doanh này có gì hấp dẫn người Thái? Holcim Việt Nam là một liên doanh giữa Holcim (nắm giữ 65%) với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Cuối năm ngoái, Holcim Việt Nam đã sáp nhập với Lafarge Việt Nam (Pháp), sau khi hai tập đoàn mẹ cũng sáp nhập trên quy mô toàn cầu.
Nhờ thương vụ sáp nhập này, LafargeHolcim Việt Nam đã trở thành liên doanh có sản lượng và công suất lớn vượt trội so với các liên doanh khác với quy mô 6,3 triệu tấn/năm. Trước đó, theo khảo sát của StoxPlus (2014), thị phần của liên doanh này chỉ nhỉnh hơn liên doanh xếp thứ hai là Chinfon một chút.
Việc Holcim thoái vốn khỏi Việt Nam trên thực tế đã rộ lên từ đầu năm nay. Lý do thoái vốn một phần là tái cấu trúc tập đoàn đa quốc gia có quy mô sản xuất xi măng thiết kế lớn nhất thế giới, nhưng nhiều khả năng cũng là do tập đoàn này không còn nhìn thấy điểm sáng ở thị trường xi măng Việt Nam sau nhiều năm tham gia. Tuy nhiên, người Thái thì lại nghĩ khác. Theo công bố của SCCC, doanh thu của liên doanh LafargeHolcim năm 2015 là gần 5.340 tỉ đồng, tăng gần 19% so với năm trước đó, trong khi lợi nhuận ròng đạt 539 tỉ đồng, tăng hơn gấp 2 lần.
Các thương vụ M&A sẽ còn diễn ra sôi động hơn
Nhiều năm gần đây, các doanh nghiệp xi măng luôn đặt mục tiêu xuất khẩu như là cách giải quyết cho bài toán thừa cung nhưng vẫn chưa đủ. Hệ quả là những dự án kém sẽ bị lọc dần khi được các tập đoàn trong nước mua lại. Điểm khác biệt giữa các thương vụ M&A trong và ngoài nước là các công ty nước ngoài bước chân vào những doanh nghiệp có thị phần chiếm lĩnh thị trường. Còn với những thương vụ M&A trong nước lại chủ yếu là sáp nhập các dự án nhỏ. Theo StoxPlus, hiện có 62 công ty xi măng với khoảng 100 nhà máy, 60% trong số đó là những dự án có quy mô công suất nhỏ (dưới 1 triệu tấn/năm).
Xi măng là một ngành có cấu trúc vốn lớn, vì vậy đòi hỏi đầu tư vào lĩnh vực xi măng nếu không là công ty chủ đạo của quốc gia, thì cũng phải là những tập đoàn lớn. Các dự án trước đây được lập ra để nhận ưu đãi từ địa phương. Song bài học cho thấy những “đại gia” xi măng nếu chọn sai công nghệ và không được quản trị tốt thì bước chân vào xi măng với những dự án nhỏ là một sai lầm. Bản thân các công ty xi măng nội địa cũng có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) thấp hơn các doanh nghiệp ngoại, theo StoxPlus. Đó là một khoảng cách mà các doanh nghiệp nội địa cần phải vượt qua.
Trong tương lai, các thương vụ M&A sẽ còn diễn ra sôi động hơn. Một phần là để đón đầu xu thế phục hồi của thị trường xây dựng, nhưng phần lớn là vì những vấn đề nội tại mà ngành này đã tạo ra trong quãng thời gian trước đây. Hiện ngành xi măng vẫn thừa cung rất lớn. Hơn nữa, trong thời gian tới, dự kiến còn có thêm nhiều dự án với tổng công suất lớn hơn 6 triệu tấn/năm được đưa vào hoạt động. Theo StoxPlus, dù nỗ lực xuất khẩu nhưng thị trường nội địa vẫn sẽ chứng kiến hiện tượng dư cung trong vòng 10 năm tới.