Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Xi măng Bình Phước lấy KHCN gắn với sản xuất để phát triển kinh tế

03/01/2024 - 10:29 SA

Trong sứ mệnh lịch sử của mình, nhà máy Xi măng Bình Phước luôn xác định nghiên cứu và ứng dụng khoa học là động lực quan trọng trong quá trình phát triển và là cơ sở cho việc hoạch định chủ trương đổi mới của ngành sản xuất xi măng. Chính vì vậy nhiều năm qua, phong trào cải tiến, phát huy sáng kiến vào sản xuất, làm chủ công nghệ thiết bị, cũng như công tác vận hành ngày càng lan tỏa sâu rộng trong toàn nhà máy.
Những năm qua, ban lãnh đạo nhà máy Xi măng Bình Phước định hướng các phòng, ban phối hợp đơn vị thành viên lấy khoa học - công nghệ gắn với sản xuất để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế. Song song đó triển khai rà soát các dây chuyền, đánh giá tổng thể tình trạng công nghệ và thiết bị sau thời gian dài vận hành để xác định mức độ đồng bộ về năng suất giữa các công đoạn, phân đoạn.

Vì môi trường xanh

Bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Xi măng đứng trước thách thức phải giải quyết bài toán về môi trường, tái cấu trúc toàn diện, đưa công nghệ xi măng vươn tầm cao mới không phát thải. Với nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và cạn kiệt thì việc định hướng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu gắn liền với tận dụng chất thải của các ngành sản xuất công nghiệp và chất thải phát sinh từ xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để thay thế nguồn than đá, than cám trong sản xuất xi măng và nhiệt điện, góp phần hạ giá thành, tăng doanh thu cho đơn vị, đầu năm 2019, nhà máy Xi măng Bình Phước đã nghiên cứu thành công dây chuyền “Đốt rác thải công nghiệp tại nhà máy Xi măng Bình Phước”. Tháng 11/2019, nhà máy Xi măng Bình Phước đầu tư 24 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền dự án đốt rác thải công nghiệp với công suất 20 tấn/giờ. Tháng 3/2020, hệ thống bắt đầu vận hành chính thức, trung bình 1 ngày đốt khoảng 200 - 250 tấn rác thải công nghiệp, thay thế một phần nguyên liệu truyền thống bằng than đá.
 
Toàn cảnh nhà máy Xi măng Bình Phước.
 
Anh Nguyễn Minh Nhật, Quản đốc xưởng Clinker, nhà máy Xi măng Bình Phước cho biết, khi sử dụng chất thải rắn không thường thì phần tro, xỉ sẽ ở lại lò nung, kết hợp phản ứng tạo thành clinker, khí thải đi vào hệ thống lọc bụi và kiểm soát bằng hệ thống quan trắc online đưa tín hiệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo các thông số đáp ứng quy chuẩn về môi trường mới được hoạt động.

Về quy trình hoạt động, rác công nghiệp khi đưa vào nhà máy được lấy mẫu kiểm tra, sau đó chuyển lên băng tải, vận chuyển lên tầng 4 của tháp trao đổi nhiệt đến buồng đốt, tạo ra nhiệt điện vận hành toàn bộ hệ thống máy của nhà máy. Lò đốt có nhiệt độ lên tới 2.000°C, khí nóng hóa lỏng với bụi lò qua hệ thống làm mát, nhiệt giảm, hạt bụi lắng và rớt xuống, khí sạch sẽ đi qua và ra ngoài, giảm hơn 90% bụi trong lượng khí thải. Hoạt động của dây chuyền theo một quy trình khép kín, điều khiển tự động thông qua các phần mềm của máy tính. Hiện lò đốt đã được nâng công suất lên 6.300 tấn rác thải công nghiệp/ngày, hoạt động cả ngày lẫn đêm.
 
Rác thải công nghiệp được sử dụng để thay thế chất đốt tại nhà máy Xi măng Bình Phước.
 
Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc nhà máy Xi măng Bình Phước cho biết, thay thế nguyên liệu truyền thống bằng rác thải công nghiệp không chỉ giúp nhà máy tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm trong khi chất lượng vẫn giữ nguyên mà còn giúp giảm thiểu phát thải khí CO, giảm ô nhiễm môi trường, gián tiếp tiết kiệm tài nguyên cho sản xuất điện năng.

Trung bình mỗi ngày nhà máy Xi măng Bình Phước tiêu thụ từ 150 - 250 tấn rác thải, tính ra mỗi năm tiêu thụ hơn 90.000 tấn nguyên liệu gần như bỏ đi này, phần nào giải tỏa áp lực về rác thải công nghiệp. Với việc dùng rác thải làm nguyên, vật liệu thay thế giúp nhà máy giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải. Tỷ lệ thay thế nhiệt tại nhà máy Xi măng Bình Phước hiện đạt hơn 40%, tiết giảm được 40 tỷ đồng/năm so với sử dụng nguyên liệu từ than đá.

Giải quyết bài toán khó khi đại tu 

Tháng 1/2022, thực hiện kế hoạch của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 về việc dừng hoạt động toàn bộ nhà máy Xi măng Bình Phước để bảo trì, sửa chữa thiết bị đại tu hộp giảm tốc nghiền than, kết hợp thay bộ tấm lót bàn nghiền tại nhà máy. Việc thay thế tấm lót bàn nghiền dự kiến khoảng 6 ngày và đại tu hộp giảm tốc khoảng 12 ngày.

Bài toán đặt ra là làm cách nào để hai công việc nêu trên phải tiến hành song song, để đưa thiết bị dây chuyền vào hoạt động sớm, cung cấp xi măng đúng hẹn cho đối tác, khách hàng. Trước tình hình này, kỹ sư Nguyễn Minh Tiến và các cộng sự nhà máy Xi măng Bình Phước đã triển khai khảo sát, nghiên cứu và thiết kế hệ dầm xoay để thay thế tấm lót bàn nghiền mà không ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa đại tu hộp giảm tốc.
 
Kỹ sư Nguyễn Minh Tiến (bìa phải) giới thiệu về giải pháp hệ dầm xoay để thay thế tấm lót bàn nghiền.
 
Giải pháp đã giải quyết được bài toán thực hiện đại tu, sửa chữa hộp giảm tốc cùng thời điểm với thay thế tấm lót bàn nghiền. Điểm mới của giải pháp này là không sử dụng động cơ để thay thế tấm lót bàn nghiền mà dùng dầm xoay để thay thế tấm lót. Có thể áp dụng cho công tác thay thế, sữa chữa các thiết bị nặng cần dùng hệ thống nâng chuyển, dễ dàng thực hiện trong việc sửa chữa và thay thế tấm lót bàn nghiền. Công việc này thực hiện không cần thợ có trình độ chuyên môn cao.

Việc thay thế tấm lót bàn nghiền song song với đại tu hộp giảm tốc đã đáp ứng tiến độ sửa chữa lớn, giảm thời gian dừng máy, giảm chi phí, mang lại lợi nhuận hơn 11 tỷ đồng. Giải pháp này có thể áp dụng cho tất cả nhà máy xi măng hoạt động tương tự như nhà máy Xi măng Bình Phước.

Từ khi đi vào hoạt động, nhà máy Xi măng Bình Phước luôn xác định nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiến bộ khoa học - công nghệ mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho khách hàng, doanh nghiệp, giảm phát thải khí có hại… là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển bền vững. Hàng năm, các hoạt động sáng kiến, cải tiến của nhà máy được phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên cùng tham gia. Các ý tưởng, sáng kiến được tiếp thu để xây dựng thành chương trình nghiên cứu phát triển của năm. Nhờ đó, mỗi năm có hàng chục sáng kiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới được triển khai và áp dụng hiệu quả mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà máy.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, mục tiêu hướng tới của nhà máy Xi măng Bình Phước là tiếp tục mở rộng, tăng công suất, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh xử lý các phế thải trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… Để tiếp tục tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhà máy huy động cán bộ, công nhân viên phát huy phong trào ứng dụng khoa học - công nghệ, sáng kiến kỹ thuật. Trong đó, năm 2024 sẽ tăng cường nghiên cứu, sáng kiến kỹ thuật trên tất cả lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu thụ, quản trị, nguồn nhân lực, logistics, an toàn, môi trường và ISO nhằm giảm sức lao động và tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Xi măng Hà Tiên trên thị trường.
 
VLXD.org (TH/ Báo Bình Phước)

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng