Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Sáng ngời áo lính

27/04/2011 - 04:01 CH

“Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”(*). Anh hào hứng đọc cho chúng tôi đầy say mê khi mới vừa vào đầu câu chuyện về một thời trai trẻ hào hùng của mình. Thủa thiếu niên quả cảm của Trần Quang Tuấn ngày nào như thước phim quay chầm chậm ngược dòng thời gian…



Chiến sĩ thời đạn bom


Trần Quang Tuấn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Điện Hòa, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chứng kiến quân địch gây nên bao cảnh lầm than trên quê hương nên khi mới 12 tuổi cậu bé Tuấn đã hăng hái tham gia cách mạng với nhiệm vụ đầu tiên là làm giao liên từ vùng giải phóng sang vùng địch và ngược lại. Anh kể: Nhiệm vụ đầu tiên của cậu bé 12 tuổi được giao là mang thư đi cho một chị tên Liên, ở nhà có tên là Đợi. Tôi biết chị đó vì chị học ở lớp trên của anh chị con nhà bác. Công việc thuận lợi xong xuôi, chị còn cho ăn cơm rồi dặn dò miết. Hồi đó, làm cách mạng đúng kiểu gia đình rất vui và học hỏi thêm nhiều điều hay nên tôi thích lắm. Sau đó, tôi cũng biết thêm nhiều người, có cả giáo sư (giáo viên đệ nhất, đệ nhị trong trường ngày đó) cũng tham gia hoạt động cách mạng nên càng hăng hái làm nhiệm vụ hơn nữa. Khoảng 2 năm sau đơn vị rút tôi về chiến khu khi có thông tin bị lộ. Vốn tính hăng hái, xông xáo nên anh xin đi đánh Mỹ vì lý do: không đi đánh sớm thì hết quân Mỹ mà đánh mất của chàng trai chưa đầy 15 tuổi! Đơn xin tham gia bộ đội của anh bị bác bỏ. Anh kể: Cả gia đình đều làm cách mạng, ba má tôi đang đi hoạt động nên bác cưng và không muốn tôi gặp nguy hiểm nên phản đối tôi tham gia cách mạng. Nói thật hồi đó tôi đi làm giao liên đã sợ lộ rồi nhưng để lộ cho bác biết tôi còn sợ hơn. Rốt cuộc, tôi bị một trận nên thân vì làm giao liên trộm. Thua keo này ta bày keo khác, thuyết phục bác đi bộ đội không được nên tôi mấy lần chạy lên bí thư thành ủy xin phép.

Năm 1967 đội biệt động Đà Nẵng được thành lập và anh là một trong những người lính đầu tiên. Sau khi được học tập, huấn luyện bài bản, anh cùng đồng đội tham gia những nhiệm vụ đầu tiên đánh đồn phát thanh của địch. Vì đã có thời gian là giao liên nên Tuấn dễ dàng vẽ được sơ đồ cũng như nắm rõ chi tiết bên trong lô cốt, bao cát, số lượng quân, trang bị vũ khí… Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, khi tham gia tiến công vào Đà Nẵng thì anh bị địch bắt. 7 năm tù đày khắp các trại giam từ Đà Nẵng, Côn Đảo, Chí Hòa đến Kon Tum với bao trận tra tấn dã man của kẻ thù. 5 năm ở Côn Đảo xiềng xích, đòn roi nhưng chàng thanh niên trẻ vẫn tranh thủ từng giờ, từng phút học tập văn hóa để mai này hòa bình trở về dựng xây đất nước. Được sự chỉ dạy của anh Trần Văn Tạo, Trần Quang Tuấn trưởng thành lên rất nhiều. Đó là vừa là người thầy, người anh, người đồng chí mà anh luôn hết sức kính trọng và khâm phục. 2 năm ở nhà lao Kon Tum tôi tưởng mình sẽ chết ở đây vì địch đàn áp quá, anh Trần Quang Tuấn bồi hồi nhớ lại. Tù chính trị ở đây có 30 người nhưng cuối cùng chỉ còn lại 4 người gồm Đà Nẵng, Phú Yên, Mỹ Tho, Tiền Giang. Địch đánh miết. Vụ đòi mổ bụng để chứng minh cái gan của người làm cách mạng cũng xảy ra ở đất tù đầy Kon Tum này. Sức mạnh nào có thể khiến cậu thanh niên non nớt với khuôn mặt búng ra sữa chịu được những trận tra tấn thừa sống thiếu chết của địch như vậy? Có thể là chết. Cứ xông vào cái chết là cách để sống. Tôi và các đồng đội nghĩ đơn giản một điều như vậy. Trên bức tường trại giam của anh luôn dạt dào những vần thơ sục sôi ý chí cách mạng: Nghèo đói không thay đổi lòng. Tra tấn đánh đập không khuất phục lòng. Càng bị đánh càng kiên cường, bất khuất nên ngay cả trưởng trại giam lúc ấy cũng phải nể phục người tù trẻ tuổi.


4 người tù chính trị duy nhất còn sống được, chiến đấu được đến ngày tự do chính nhờ hầm tự sống trong lòng biệt giam. Trong tù quá cơ cực nên anh nghĩ tới việc đào hầm. Hôm đó, tôi bắt được một con chuột. Ngày trước, bắt được con chim, con mối có thể ăn sống được nhưng mà con chuột ăn sống không được mà bỏ thì uổng nên tôi nghĩ đến việc người dân tộc họ làm mắm chuột. Vì thế tôi đã lột da ướp muối nó rồi cất vào túi ni lông làm mắm chuột để ăn dần. Nhưng tôi vẫn thấy không ổn nên thấy cần phải đào một cái hầm. Mấy anh em đồng ý, cùng bàn bạc và tiến hành đào hầm. 1 cái đinh 10 hoặc đinh 8, giấy dầu trong bao thuốc, lưỡi lam, bông và ít cơm ròng rã ngày nào cũng xiên, khoét, móc cuối cùng chúng tôi đào xong hầm. Anh kể. Tranh thủ cảm tình cách mạng của anh lính ngụy tên Cát Văn, hầm nhỏ có đầy đủ những đồ dùng cần thiết như đường, thuốc men, đồ ăn… để anh em tù qua được những năm tháng vô cùng khó khăn ở Kon Tum. Dù luôn đối mặt với thách thức, sẵn sàng đương đầu với cái chết nhưng trong tâm thức của chàng trai trẻ vẫn ôm bao tiếc nuối chưa ngày bước chân vào đại học, chưa lên giảng đường, chưa sống đời sinh viên…

Doanh nhân thời hòa bình

Năm 1975 đất nước thống nhất. Ngay sau khi được trả tự do, Trần Quang Tuấn tham gia dự thi ngay hệ dự bị đại học. Sau đó, anh đỗ Đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyên ngành khoa điện. Tôi và đồng đội đã đấu tranh để chiến thắng kẻ thù và bây giờ chúng tôi phải học tập tri thức để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu xây dựng quê hương. Anh một lần nữa đặt ra quyết tâm. Cơm không đủ ăn, thường xuyên phải ăn độn với bo bo, sắn nhưng anh vẫn dứt khoát theo đuổi con đường học vấn đến cùng. Trường học lớn Côn Đảo và những năm tháng rèn luyện ở chốn lao tù đã giúp Trần Quang Tuấn trưởng thành và hiểu thấu giá trị cuộc sống mình đang có. Năm 1981 anh ra trường. Anh tiếp tục lấy thêm bằng kinh tế ở trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và bằng về xuất nhập khẩu tại Đại học Ngoại thương làm vốn lận lưng khi ra mặt trận kinh tế. Dù là mặt trận không có tiếng súng nhưng đòi hỏi sự tính toán, lo toan không kém phần vất vả cho người nắm vai trò đầu tầu của Cty Xây lắp và Công nghiệp tàu thủy miền Trung (tiền thân là Cty Điện chiếu sáng Đà Nẵng) - Giám đốc Trần Quang Tuấn. 18 năm qua hàng loạt các công trình đã mang đậm dấu ấn của MACSHINCO từ thi công lắp đặt các trụ cao 30m tại Cảng Container quốc tế Tân Thuận TP.HCM, trụ chiếu sáng có gắn hệ thống ben thủy lực tại khu du lịch núi Bà Đen - Tây Ninh, trụ cao Monophone cho hệ thống viễn thông cho đến hệ thống chiếu sáng và trang trí, đèn tín hiệu giao thông đường Phạm Văn Đồng, đường Điện Biên Phủ, cầu quay Sông Hàn (Đà Nẵng), Sơn La, Tây Ninh, Đăk Lăk… và tại Lào. Vượt qua những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, trong nước và cả từ Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, người đầu tàu mưu lược Trần Quang Tuấn đã đưa con thuyền đi qua cơn giông bão. Chiến sĩ biệt động năm xưa, hôm nay trên cương vị doanh nhân thành đạt Trần Quang Tuấn vẫn đang từng ngày sống, cống hiến không mệt mỏi cho một quê hương, đất nước cháy bỏng như lời anh vẫn hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

(*) Bài thơ Chúc tết của Bác Hồ

NQ_Theo,baoxaydung

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng