Năm 2013, doanh thu của Zamil Steel tăng 15% nhưng lợi nhuận tăng tới
60% và đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong suốt 20 năm có mặt tại thị
trường Việt Nam và các quốc gia châu Á.
Ông Kumar Narasimhan (giữa), Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam, và các công nhân trong nhà my ZSV tại khu công nghiệp Nội Bài.
Nhìn xa, đến sớmThị trường đã nghe đến tên Zamil Steel Việt Nam (ZSV) từ rất lâu nhưng người ta chưa hình dung đầy đủ về sản phẩm nhà thép tiền chế mà ZSV sản xuất và kinh doanh. Bởi làn sóng đầu tư của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI vào thị trường thép chủ yếu là hướng đến sản xuất thép xây dựng, phôi thép và một số loại thép dẹt.
ZSV đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhà thép tiền chế, một dạng kết cấu khung chính của nhà, xưởng bằng thép được thiết kế theo các module sản xuất sẵn ở nhà máy và được tiêu chuẩn hóa theo mục đích sử dụng khác nhau của khách hàng (trường học, bệnh viện, sân bay, nhà chứa máy bay, nhà thi đấu, trại chăn nuôi gia súc...). Với nhiều ưu điểm như thời gian xây dựng nhanh, chi phí bảo dưỡng thấp, khả năng sản xuất, lắp ráp đồng bộ theo yêu cầu người đặt hàng nên các doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng sản xuất thường ưu tiên chọn nhà thép tiền chế thay cho cách xây nhà xưởng thông thường.
Ít ai biết Tập đoàn Zamil Steel (thành lập năm 1977 tại Saudi Arabia) lại có cái nhìn xa đến thị trường Việt Nam. Ngay từ năm 1993, lúc các nhà đầu tư nước ngoài khác còn nhìn về thị trường Việt Nam mới mở cửa một cách dè dặt, Zamil Steel đã bắt đầu xuất khẩu những dự án đầu tiên sang Việt Nam và đặt văn phòng đại diện đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại TPHCM.
Ông Kumar Narasimhan, Tổng giám đốc ZSV Việt Nam, cho biết: “Ngay từ 20 năm trước, lãnh đạo tập đoàn đã nhìn thấy đây là một thị trường tốt”. Và chỉ bốn năm sau, khi làn sóng đầu tư vào Việt Nam còn chưa bùng nổ, tập đoàn đã quyết định thành lập Công ty TNHH ZSV, liên doanh giữa Zamil Steel và tập đoàn Mitsui của Nhật Bản, xây dựng nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội).
Hai năm sau, dự án đi vào hoạt động với công suất ban đầu là 600 MT/tháng (tương đương với 600 tấn/tháng). Năm 2002, ZSV mở rộng nhà máy thứ nhất, thêm dây chuyền sơn, tăng hiệu quả sản xuất và kiểm soát chất lượng. Và theo chu kỳ đều đặn, năm 2004, ZSV tiếp tục mở rộng nhà máy lần thứ hai, lắp đặt thêm dây chuyền để nâng công suất và chất lượng. Sản lượng nhà thép tiền chế đạt 4.000 MT/tháng, đón đầu các nhà đầu tư FDI đang tiếp tục đến Việt Nam và các quốc gia châu Á.
Tính đến nay, ZSV đã có hai nhà máy đặt tại Hà Nội và Đồng Nai với tổng công suất 120.000 MT nhà thép/tháng, có 15 văn phòng bán hàng đặt tại 10 nước trong khu vực. ZSV đã cung cấp 6.000 nhà thép cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đem thương hiệu nhà thép tiền chế sản xuất tại Việt Nam vào thị trường Nhật Bản từ tám năm trước.
Để có một mạng lưới sản xuất và kinh doanh rộng khắp, ngày càng phát triển. ZSV đã đào tạo đội ngũ 1.200 công nhân, kỹ sư và cán bộ tại Việt Nam. “Linh hồn của ZSV là đội ngũ thiết kế gồm 120 người, được sự hỗ trợ tích cực của tất cả các bộ phận khác trong tập đoàn để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách”, ông Kumar Narasimhan cho biết. Điều đáng nói hơn là đội ngũ nhân lực này đã được “nội địa hóa” từ nhiều năm nay. Ngay cả những vị trí lãnh đạo các bộ phận chủ chốt cũng do người Việt đảm trách. Quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho nhân lực người Việt diễn ra ở ZSV khá thành công. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp FDI khác đã đề cập nhưng trên thực tế thực hiện được không nhiều. Nếu đặt trong bối cảnh vẫn còn ít doanh nghiệp lớn từ Trung Đông vào Việt Nam và văn hóa kinh doanh có nhiều điểm khác biệt thì sự chuyển giao đó còn ý nghĩa hơn nữa.
Tính đến thời điểm này, rất ít các tập đoàn lớn đặt trụ sở chính của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam, để từ đây, thực hiện các đơn hàng xuất đi các quốc gia khác. Nhưng ZSV đã quyết định như vậy từ 16 năm trước. Ông Kumar Narasimhan cho rằng quyết định đó đến nay vẫn là rất đúng: “Những năm gần đây, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư FDI, nhất là từ Hàn Quốc và Nhật Bản. 70-80% khách hàng của ZSV cũng đến từ đây. Như vậy là sự phát triển của Việt Nam và ZSV là song hành”.
Cũng theo ông Narasimhan, sự ổn định về chính trị trong một nền văn hóa không bảo thủ khiến Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các thị trường lớn, giúp kết quả kinh doanh của ZSV ngày càng phát triển tốt hơn.
Tiêu chuẩn ZamilNhững gì mà ZSV đã đạt được ở Việt Nam suốt 20 năm là một minh chứng cho chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng bền vững, chuẩn bị bài bản và đầu tư lâu dài. Theo ông Kumar Narasimhan, trong vài năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu và Việt Nam luôn đối diện trước những khó khăn, nhưng ZSV trong thời điểm nào cũng tuân thủ hai nguyên tắc kinh doanh, đồng thời là điểm mạnh của doanh nghiệp, đó là chất lượng sản phẩm tốt và thời gian giao hàng đúng hạn. Vì thế, cho dù thị trường thép tiền chế có cạnh tranh hơn trong 10 năm gần đây với sự có mặt của khoảng 165 doanh nghiệp lớn nhỏ, nhưng ZSV vẫn có một vị thế hàng đầu. Thậm chí, thương hiệu này đã trở thành một tiêu chuẩn mà dân trong nghề thép gọi là “nhà Zamil”.
Năm 2013, ZSV tăng sản lượng 20%, doanh thu tăng 15%, lợi nhuận tăng 60%. Trong cơ cấu doanh thu hiện nay, tỷ lệ nguồn thu từ thị trường nội địa và xuất khẩu là bằng nhau. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa năm 2013 đã đạt 45%, trong khi năm 2012 chỉ ở mức 30%. Trong số hơn 6.000 dự án cung cấp cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có rất nhiều dự án ZSV lắp đặt cho các ga hàng không ở Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, các nhà máy tại Myanmar, Philippines, Indonesia, Lào và các nước khác. Một số dự án lớn ZSV vừa mới bàn giao hoặc đang trong quá trình thi công tại Việt Nam là dự án Nhà máy Dệt Texhong tại Quảng Ninh và Đồng Nai, nhà máy sản xuất các sản phẩm chăm sóc trẻ em của P&G (Bình Dương), Nhà máy Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên), các tổ hợp nhà tại khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh, dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài (Hà Nội)…
Với ZSV, để đạt được tăng trưởng bền vững, chỉ có tiêu chí chất lượng là thước đo cuối cùng và không có bất cứ sự thỏa hiệp nào để làm giảm cam kết về chất lượng. Muốn đạt được hiệu quả cao, trong điều kiện thị trường khó khăn, quản lý chi phí là yếu tố quyết định. “Quản lý chi phí tốt, sử dụng nhân lực tại chỗ và hạn chế nhập khẩu”, ông Kumar Narasimhan nói về quan điểm kinh doanh trong năm 2013 - năm ZSV đạt kết quả tốt nhất kể từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Hơn nữa, trong quá trình phát triển, ZSV luôn chú trọng đến mục tiêu đối tác bền vững. Nhiều đối tác ban đầu là khách hàng của ZSV, sau trở thành đối tác cung cấp đầu vào cho ZSV. Sự phát triển mang tính tương hỗ đó đều giúp hai bên phát triển.
Ông Kumar Narasimhan mong muốn trên đà tăng trưởng của ZSV, mục tiêu năm 2014 của ZSV là tiếp cận nhiều hơn các dự án lớn của Chính phủ. Mặt khác, ZSV sẽ đầu tư hơn nữa cho dòng thép kết cấu phục vụ các công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật phức tạp, bởi sự phát triển của kinh tế Việt Nam và khu vực châu Á đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao hơn.
CFC - KTSG