Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Thép Thái Nguyên đối diện nhiều khó khăn, thách thức

01/09/2020 - 07:00 SA

Thái Nguyên từ lâu được biết đến là cái nôi của ngành công nghiệp nặng với mũi nhọn đi đầu là sản xuất thép. Mặc dù có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng ngành thép trên địa bàn hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh.
Theo các tài liệu địa chất, trên địa bàn tỉnh có trên 42 điểm mỏ quặng sắt các loại với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 49 triệu tấn, trong đó có khoảng trên 12 triệu tấn quặng manhetit có hàm lượng từ 42% - 65%; 37 triệu tấn quặng limonit, hematit có hàm lượng từ 30% - 55%, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Đồng Hỷ và một số ít các huyện: Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai...
 
Trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh đã hoạch định 41 mỏ, điểm mỏ quặng sắt, phân kỳ khai thác và sử dụng các giai đoạn cho đến năm 2020. Để khai thác trữ lượng quặng sắt này, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị được cấp 26 giấy phép khai thác quặng sắt, tương ứng với 34 điểm mỏ, tổng trữ lượng cấp phép khai thác là 43,73 triệu tấn (gồm khoảng 11 triệu tấn quặng manhetit; 32,72 triệu tấn quặng limolit, hematit.


Xuất bán thép tại Công ty CP Cán thép Thái Trung.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 15 điểm mỏ còn hiệu lực khai thác, các đơn vị được cấp phép đã khai thác khoảng 9,42 triệu tấn (chủ yếu là quặng manhetit), tổng trữ lượng quặng sắt còn lại vào khoảng 34,31 triệu tấn. Những con số trên cho thấy, tiềm năng về quặng sắt trên địa bàn tỉnh còn khá lớn, nhiều mỏ ở vị trí thuận lợi trong khai thác, điều này giúp cho ngành thép chủ động được nguồn quặng nguyên liệu phục vụ sản xuất. 
 
Tuy có nhiều thuận lợi như đã nêu trên, nhưng nhiều năm gần đây, ngành thép Thái Nguyên đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2019 ghi nhận sự tăng trưởng rất lớn về công suất sản xuất thép cán các loại của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, việc gia tăng công suất vượt xa so với nhu cầu đã khiến cho nguồn cung dư thừa, việc cạnh tranh giá bán sản phẩm trong nội bộ ngành thép trở nên căng thẳng. Cùng với đó, do ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến giá nguyên liệu nên nhiều đơn vị có những thời điểm phải cắt giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ.
 
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên hiện đang vận hành dây chuyền luyện kim khép kín từ khâu khai thác mỏ đến sản xuất luyện gang, luyện thép và cán thép; vận hành 2 lò cao dung tích 100 và 120m3, sản lượng gang sản xuất bình quân 200nghìn tấn/năm, nguyên liệu cho sản xuất gang lò cao là quặng sắt khoảng 400 nghìn tấn/năm được cung cấp từ các mỏ do Công ty được giao quản lý. Tuy nhiên, lợi thế của việc sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại chỗ đang giảm dần do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, chi phí tăng cao, trữ lượng quặng của Mỏ sắt Tiến Bộ lớn nhưng là loại quặng limonit chất lượng thấp, hàm lượng nghèo, Mỏ sắt Trại Cau do cấu tạo địa chất khu mỏ nên quá trình khai thác có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sinh sống trên địa bàn.
 
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên: Việc gia tăng công suất vượt xa so với nhu cầu khiến cho cạnh về giá bán trong ngành tăng lên, giá thép xây dựng trong nước hiện nay tại miền Bắc đã giảm khoảng 700.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Hiện nay, tổng công suất sản xuất thép cán trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1 triệu tấn/năm với 3 nhà máy: Nhà máy Cán thép Lưu Xá, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên, Công ty CP Cán thép Thái Trung, tuy nhiên do nguồn cung vượt quá cầu, giai đoạn nửa đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều công trình, dự án không thể triển khai thi công, nên sản lượng của các nhà máy luôn bị tụt giảm, một số công ty đã phải dừng sản xuất, trong đó có: Công ty CP Khai thác và chế biến khoáng sản Thái Trung, Công ty CP Hợp kim sắt Phú Thọ, Công ty CP Luyện cán thép Gia sàng.
 
Với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, hiện còn những khó khăn chưa thể giải quyết "một sớm một chiều", đó là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty (sau khi hoàn thành, dự kiến mỗi năm sẽ sản xuất được 1 triệu tấn phôi thép từ nguồn nguyên liệu trong nước), cho đến hiện tại, do chưa thể giải quyết dứt điểm hợp đồng với các nhà thầu nên dự án vẫn đang tạm dừng, chưa tiếp tục triển khai thi công. Cùng với đó, do hệ thống thiết bị đã cũ, năng suất lao động thấp dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty tăng trưởng thấp, lợi thế về sản xuất phôi thép của Công ty ngày càng giảm do giá phôi thép ở thị trường đang ở mức rất thấp, đặc biệt càng khó khăn hơn khi có thêm nhiều đơn vị tham gia cung cấp phôi thép như Hòa Phát, Formosa, TungHo.
 
Năm 2020, dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn đối với ngành thép của tỉnh do phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường thép xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất liên tục giảm giá để chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt là thép nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ đang ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ thép trong nước. Trong kế hoạch sản xuất giai đoạn 2020-2025, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đề ra các chỉ tiêu chủ yếu là: Thép cán 4,7 triệu tấn; phôi thép 2,18 triệu tấn; tiêu thụ thép cán 4,7 triệu tấn. Trước những khó khăn thách thức này, ngành thép của tỉnh cần có những bước đi phù hợp, chủ động tiếp cận, tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tiếp tục rà soát, đánh giá lại chính sách bán hàng và hệ thống phân phối để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối có tính ổn định và phát triển lâu dài. Cùng với đó, việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép là các khâu cần được chú trọng thực hiện, từ đó giúp ngành thép của tỉnh có sự đột phá, vượt qua những khó khăn, thách thức đang hiện hữu.
 
VLXD.org (TH/ Báo Thái Nguyên)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng