Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Trên các công trường thủy điện: Điều ít được nói tới

10/05/2011 - 09:16 SA

Bất chợt một buổi chiều cuối tuần, nhận được dòng tin nhắn của anh Hoàng Văn Sỹ - CN lái máy xúc (Cty Sông Đà 5) đang làm việc trên công trình thủy điện Đăkring (Quảng Ngãi) khiến lòng tôi lắng lại. Anh bảo lâu không được về thăm gia đình, buồn quá.
7 năm chinh chiến trên nhiều công trường thủy điện như Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu… những tưởng con người hài hước và dí dỏm như anh sẽ chẳng có thời gian để nói về sự buồn tẻ, vậy mà, cuộc sống thực tại đôi khi khiến anh cảm thấy mệt mỏi đến thế. Anh Sỹ tâm sự: Sau Tết mình rời thủy điện Lai Châu để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới ở thủy điện Đăkring. Công trường mới, môi trường mới, những cái khó, cái khổ đã từng trải qua rồi nhưng sự lặp đi lặp lại một cách buồn tẻ của cuộc sống công trường khiến anh em cũng thấy buồn lắm.

Thủy điện Đăkring đang trong giai đoạn hoàn thành một số hạng mục, làm sạch hố móng để đổ bê tông. Những ngày này, CN về công trường đã đông hơn. Tuy nhiên, so với nhiều công trường đã đi qua, anh Sỹ thấy thủy điện Đăkring là một công trường gian khó hơn. Công trường xa dân cư, xa trung tâm, hơn nữa, mức lương được nhận cao nhất cũng gần 7 triệu đồng/tháng, nên muốn đi đâu cũng khó. Vì vậy, mấy chục anh em CN khi làm xong công việc chỉ còn biết ngồi quây quần xem chung 1 chiếc tivi hoặc nói chuyện phiếm đợi đến giờ đi ngủ. “Mỗi lần muốn mua sắm đồ dùng cá nhân, anh em trên này phải liệt kê ra giấy rồi nhờ chị nhà bếp đi chợ mua giúp thôi. Thậm chí, sóng điện thoại cũng chập chờn, nhiều khi liên lạc cũng bị gián đoạn” - anh Sỹ cho biết thêm.

Tưởng rằng đây là lý do khiến những CN làm thủy điện như anh Sỹ phải nản lòng. Nhưng khi nghe họ chia sẻ, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. “Dân thủy điện” sống với núi rừng, làm việc với bê tông, đất đá là chuyện thường tình. Khi đã quen với gian khó thì khó nữa anh em vẫn chịu được. Tuy nhiên, khổ về đời sống tinh thần mới khiến anh em nản lòng. “Ở cái tuổi không còn trẻ, cứ nay đây, mai đó thế này ai dám yêu, dám lấy nữa. Nguy cơ ế vợ cao lắm!” - anh Sỹ bông đùa.
 

Cũng đã nhiều lần nghe các anh CN công trường tâm sự về vấn đề khó lập gia đình, nhưng có lẽ đây đang là thực trạng của không ít CN thủy điện. Bởi những CN này phải xa gia đình, làm việc trên những vùng núi cao, hẻo lánh thì làm gì có thời gian để “tìm hiểu”. Cùng phòng với Sỹ, anh Nguyễn Thế Sơn (quê Nam Định) - CN lái máy xúc cho biết: Mình đi làm quanh năm, 2 tháng mới được về nhà 1 lần. Mỗi lần về cũng chỉ được 1 tuần nên chẳng kịp làm quen với các cô đã phải trở lại công trường. Đợi ngày trở về thì người ta cũng chẳng muốn gặp lại mình nữa. Giá như được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người thì có lẽ anh em CN thủy điện không bị “ế vợ” thế này.

Ở công trường, CN trẻ thì khó lập gia đình, còn những CN may mắn lấy vợ trước cái tuổi “băm” cũng không kém phần lo lắng. Anh Hoàng Xuân Hương, quê Thái Nguyên - CN Xí nghiệp Sông Đà 508 đang làm việc ở thủy điện Lai Châu cho biết: 11 năm đi công trường là chừng ấy thời gian mình bị vợ giận. Công việc thì luôn phải chạy theo tiến độ, có muốn về thăm vợ con cũng khó, nên đôi khi đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy.

Mơ ước có một gia đình đầm ấm, quây quần bên nhau đối với “dân thủy điện” có vẻ xa vời. Đã bao lần họ muốn từ bỏ rừng núi để trở về mưu sinh nơi phố thị, chấp nhận mức lương thấp hơn chỉ để có thể gần hơn với gia đình, người thân. Nhưng càng đi xa, họ càng hiểu được giá trị của những dòng điện đối với cuộc sống của hàng triệu người. Bởi vậy, họ chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư, vui với công việc. Trái tim họ hàng ngày vẫn ấp ủ câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Thiếu thốn, gian khổ là khó khăn của hầu hết công nhân (CN) làm công trường, đặc biệt là CN thủy điện. Tuy nhiên, điều khiến họ đôi khi phải thấy nản lòng không phải bởi cái khó khăn thường thấy mà do chẳng thể tìm được sự cảm thông, chia sẻ


NQ_Theo,songda.vn


Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng