Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm. Ngày 22/3/2003, Dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009, mới được khánh thành, đưa vào chạy thử.
Tháng 7/2011, Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn chính thức ra đời do Vinaincon làm chủ sở hữu, có nhiệm vụ khai thác hiệu quả Dự án nhà máy Xi măng Thái Nguyên, nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn.
Do đi vào hoạt động đúng thời điểm có nhiều nhà máy xi măng cũng ra mắt thị trường, khi nguồn cung đã tiệm cận nhu cầu sử dụng, nên Nhà máy Xi măng Quang Sơn liên tiếp gặp khó về tài chính.
Chỉ sau 1 năm hoạt động, Nhà máy đã bị thua lỗ hơn 70 tỷ đồng, đã từng rơi vào cảnh không có nguồn trả nợ đầu tư, thiếu vốn sản xuất và từng đứng trước nguy cơ lớn về tồn tại hay phá sản. Những năm sau đó, Xi măng Quang Sơn vẫn liên tiếp khó khăn, thua lỗ dù sản lượng tiêu thụ đã khá lên, thị trường dần ổn định.
Đặc biệt, 2 năm gần đây, tình hình kinh doanh của Xi măng Quang Sơn ngày càng bết bát.
Theo số liệu từ Vinaincon, năm 2018, tổng doanh thu và thu nhập khác của Xi măng Quang Sơn là 533,4 tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do sự cố hỏng máy phải tạm dừng sản xuất trong thời gian dài.
Năm 2018, công ty ghi nhận lỗ 361,4 tỷ đồng, dù kế hoạch lỗ đặt ra chỉ 180 tỷ đồng. Lỗ phát sinh của Xi măng Quang Sơn bao gồm khoản lỗ do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cuối năm là 141,3 tỷ đồng và lỗ do lãi vay đầu tư là 148,3 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế của Xi măng Quang Sơn đến thời điểm 31/12/2018 là 1.507 tỷ đồng.
Sang năm 2019, Xi măng Quang Sơn đặt mục tiêu doanh thu 1.169 tỷ đồng, lỗ 159,3 tỷ đồng. Khoản lỗ này chưa bao gồm đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cuối năm.
Vinaincon cho biết, trong năm qua, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực triển khai việc hỗ trợ toàn diện cho Xi măng Quang Sơn về cơ cấu lại hệ thống sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, tài chính để trả nợ vay.
Cùng với đó, Tổng công ty vẫn đang xúc tiến việc tìm kiếm đối tác, làm việc với các Bộ, ngành liên quan để thống nhất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tái cơ cấu Công ty Xi măng Quang Sơn theo công văn 475 ngày 2/11/2018 của Đại diện vốn nhà nước tại Vinaincon.
Trước đó, giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn từ Vinaincon sang Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Song, Bộ Xây dựng không đồng tình.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, Xi măng Quang Sơn do Vinaincon sở hữu 100% vốn điều lệ. Vinaincon là công ty cổ phần, do đó, phần vốn mà Vinaincon đã đầu tư vào Công ty Xi măng Quang Sơn là phần vốn của công ty cổ phần, không phải hoàn toàn là vốn của Nhà nước.
Vì vậy, việc Bộ Công Thương đề nghị chuyển giao toàn bộ phần vốn của Vinaincon đã đầu tư tại Công ty Xi măng Quang Sơn sang Vicem dưới hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho Vicem và giảm vốn nhà nước cho Vinaincon là không phù hợp theo quy định của pháp luật.
VLXD.org (TH/ VnEconomy)