Cung vượt xa cầu
Theo ông Vũ Bá Ổn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP, trong năm 2013 vừa qua, ngành thép vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn do thị trường bất động sản vẫn còn đóng băng, đầu tư công cắt giảm, điều này khiến cầu thép xây dựng giảm sụt mạnh. Đặc biệt, trong năm qua giá bán thép đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, trong khi đó giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như điện, gas, xăng dầu… đều tăng đã tác động không thuận lợi đối với thị trường thép trong nước.
Cũng theo ông Ổn, một số dự án sản xuất thép lớn đã đi vào hoạt động, sản phẩm được đưa vào thị trường làm cho cung cầu thép thị trường nội địa mất cân đối. Cùng với đó, áp lực thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tác động lớn đối với các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành thép, ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP cho rằng, trong năm 2013 nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, hỗ trợ trị trường và các biện pháp kích cầu nhưng nền kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
“Trong năm 2013 vừa qua, nhu cầu dùng thép trong xã hội vẫn giữ ở mức khá thấp. Ước tính cung luôn vượt gấp đôi cầu”, ông Hưng chia sẻ.
Nhiều công ty thua lỗ nặng
Ông Lê Phú Hưng cũng cho rằng, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành thép, điều này khiến nhiều công ty rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Trong đó có, 5 công ty con và 6 công ty liên kết bị thua lỗ. Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, ông Hưng cho biết, việc những công ty bị lỗ nặng trong năm qua chủ yếu do việc trích lập công nợ khó đòi. Điển hình, Gang thép Thái Nguyên dự kiến lỗ tới 320 tỷ, Kim khí Hà Nội cũng lỗ 38 tỷ và Tôn Thăng Long lỗ 9 tỷ…
Cũng theo ông Hưng, bước sang năm 2014, dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, giá các nguyên liệu và sản phẩm thép sẽ có nhiều biến động tăng, giảm ở các thị trường và khu vực khác nhau. Đặc biệt, ở trong nước thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn, sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế, xã hội.
Trước những khó khăn đó, Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP cũng đã kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kích cầu, đối với ngành xây dựng và các ngành tiêu thụ sản phẩm thép. Mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp ngành thép tăng sản lượng tiêu thụ, tăng công suất, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm.
Cùng với kiến nghị trên, ông Hưng cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần có các biện pháp triệt để thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Thép, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu như hiện nay, gây nên tình trạng canh tranh không lành mạnh trên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và gây lãng phí cho nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này tại buổi Tổng kết Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay thì nhiều ngành gặp khó khăn không riêng gì ngành thép. Vì vậy, Tổng công ty không thể đưa lý do vì cung cầu hay giá cả thấp, mà phải tìm mọi cách để khắc phục và vươn lên. “Trong năm 2014 ngành Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP cần phải lãi, chứ không thể lỗ liên tiếp như những năm vừa qua”, đại diện Bộ Công Thương chỉ đạo.
Theo VnMedia - QN