Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Thị trường VLXD

Tiêu thụ vật liệu xây dựng tiếp tục giảm

13/03/2013 - 01:06 CH

Tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) trong 2 tháng đầu năm nay giảm từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái trên các ngành hàng chủ yếu như xi măng, sắt thép, gạch...

Ngành thép hiện đang có lượng tồn kho khoảng 320.000 tấn.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho hay, tiêu thụ năm 2013 không đoán trước được sản lượng, bán đến đâu, biết đến đó.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ: “Tiêu thụ năm 2013 phấn đấu bằng 2012 (khoảng 45 triệu tấn), nhưng nếu căn cứ vào kết quả 2 tháng đầu năm, nhiều khả năng sẽ khó về đích như dự kiến”. Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, “toàn ngành phấn đấu đạt bằng năm 2012 cũng đã là quá khó”.

VICEM Hà Tiên - thương hiệu xi măng hàng đầu tại thị trường miền Nam, với độ phủ rộng khắp từ công trình lớn, trạm trộn bê tông, dân sinh và xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt 460.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc VICEM Hà Tiên cho biết: “Tuần đầu tiên của tháng 3, tiêu thụ có dấu hiệu chững lại so với tháng 2. Đây cũng là tình hình chung của thị trường xi măng phía Nam, vì chúng tôi theo dõi tiêu thụ từng ngày”. Theo kết quả tiêu thụ từ một số nhà máy xi măng tại phía Nam, sức tiêu thụ giảm từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường miền Bắc, Xi măng Vinacomin có mức giá thấp cũng tiêu thụ chậm, trong 2 tháng đầu năm, Vinacomin tiêu thụ 400.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là tình hình chung của cả thị trường, đến đâu hay đến đó, tất cả các cách để đẩy mạnh tiêu thụ đều đã làm rồi”, ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Xi măng Vinacomin nói.

Ngay như VICEM Hoàng Thạch - thương hiệu hàng đầu tại thị trường miền Bắc cũng phải đối phó với tình trạng sụt giảm tiêu thụ bằng cách tìm kiếm thị trường xuất khẩu, bởi công ty này có lợi thế vận chuyển đường thủy. Nhìn chung, tiêu thụ xi măng trong cả nước 2 tháng vừa qua sụt giảm 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tiêu thụ ngành thép cũng không mấy khả quan, cho dù giá thép trong nước đã nhích lên. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, sản xuất thép trong tháng 3 này có thể sẽ khá hơn, nhưng ước tính cũng chỉ đạt 350.000 tấn, trong khi mức trung bình phải là 400.000 tấn. Còn tháng 2 trước đó chỉ đạt trung bình 250.000 tấn/tháng.

Tồn kho thép hiện đang ở mức khá cao, khoảng 320.000 tấn, phần lớn các DN sản xuất thép bị lỗ. Thế nên, theo ông Nghi, nếu khó bán nữa thì nhiều DN sẽ buộc phải ngừng sản xuất. Trong tháng 2 vừa qua, đã có 4 DN thuộc VSA ngừng sản xuất, một số DN khác sản xuất cầm chừng.

Ông Lê Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt Đức cho biết: “Giá thép nhích lên một chút, nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tiêu thụ giảm xấp xỉ 10%. DN sẽ điều chỉnh sản xuất để giảm tồn kho”.

Trên lĩnh vực sản xuất gạch, từ gạch đỏ, gạch ốp lát, đến gạch không nung, tiêu thụ đều chững lại và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đó không phải là tình hình chung của tất cả các DN ngành gạch.

Bà Vũ Thị Thủy, phụ trách maketting CTCP Gạch Đồng Tâm chia sẻ: “Tiêu thụ sản phẩm của Đồng Tâm 2 tháng đầu năm 2013 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Để kích cầu tiêu thụ, đặc biệt là giải quyết hàng tồn kho, Công ty đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại đến các cửa hàng và người tiêu dùng”.

Ông Kiều Văn Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gạch CMC cho rằng: “Để bán được hàng lúc này, chính sách của mỗi công ty phải liên tục thay đổi. Khuyến mại là lời giải thường trực mỗi khi tiêu thụ chậm, nhưng về lâu dài, phải chọn cách khác”.

Ông Linh chia sẻ, cuối năm 2012, Công ty tăng sản lượng sản xuất, nhưng không thể tiêu thụ hết tại Việt Nam. Vì thế, Công ty đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Thái Lan, Philippine và Đài Loan. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu còn quá ít. Để tránh tồn kho, Công ty đang tìm kiếm thêm thị trường mới.

Nhìn chung, tình hình tiêu thụ của ngành vật liệu xây dựng ở mức thấp, nhưng tồn kho ở mức cho phép, bởi các DN đã chủ động cắt giảm hoặc ngừng sản xuất. Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về khả năng tiêu thụ, đại diện hầu hết DN đều cho rằng, thị trường bất động sản phục hồi thì VLXD mới có đất sống. Một số DN trong ngành vẫn tìm được lối thoát trong khó khăn như Tôn Hoa Sen nhờ xuất khẩu, Xi măng Nghi Sơn nhờ quản trị tốt và không có áp lực vốn vay, Prime nhờ bán cổ phần cho nước ngoài… Tuy nhiên, đó chỉ là những “điểm sáng” quá nhỏ nhoi trên thị trường VLXD hiện tại.

Theo ĐTCK

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng