Các loại đá biến chất như đá cẩm thạch hình thành nên những đường vân tự nhiên của chúng thông qua sức nóng và áp lực, và một nhà thiết kế người Kazakhstan - Enis Akiev đã mô phỏng quá trình hữu cơ ấy để phát triển một phương pháp biến bao bì nhựa sử dụng một lần thành gạch lát.
Akiev cho biết: "Đầu tiên, tôi thu gom rác thải nhựa gia đình từ các cơ sở phân loại rác. Sau đó, tôi phân loại nó theo màu sắc và loại nhựa trước khi rửa sạch và sấy khô. Cuối cùng, tôi cho vào lò để nhựa tan chảy rồi ép theo khuôn, cắt thành tấm và chà nhám. Thông qua sức nóng, chuyển động và áp lực giống như trong sự hình thành đá nhưng theo cách tiếp cận nhẹ hơn nhiều, tôi có thể đạt được các cấu trúc rất giống nhau".
Quá trình này có thể tạo ra một loạt các gạch màu khác nhau với nhiều sắc thái. Màu sắc được tạo ra hoàn toàn thông qua việc phân loại chất thải nhựa thành từng nhóm phù hợp. "Tôi không hề thêm màu hoặc chất kết dính nào vào, và các mẫu xuất phát từ cách tôi tạo lớp thành các miếng nhựa," Akiev giải thích.
Ý tưởng để nhựa chịu các điều kiện tương tự như trong tự nhiên xuất phát từ nhận thức của Akiev rằng nhựa không bao giờ thực sự bị vứt đi. Nó chỉ đơn giản là đi đến một nơi khác, ngoài tầm mắt, cho dù đó là vào bãi rác hoặc đại dương của chúng ta. "Vào năm 2013, một thông báo từ Hiệp hội Địa chất Hoa Kỳ cho biết đã phát hiện ra một "hòn đá" mới gọi là plastiglomerate trên một hòn đảo Hawaii. Sau một vụ phun trào núi lửa, các chất thải nhựa đã được trộn lẫn với các vật liệu tự nhiên xung quanh như đá, cát và dung nham để tạo thành một khối cứng như thể đá hoa cương vậy," nhà thiết kế nói về ý tưởng gạch lát của mình.
"Tôi muốn đưa ra một thông điệp về chủ đề này với hy vọng giúp mọi người xem xét lại một thứ tài nguyên thường được coi là không có lịch sử, bị loại bỏ sau một lần sử dụng, giờ đây có thể có một cuộc sống lâu dài, sống sau đó chúng bị loại bỏ," cô nói.
Nhựa đã là mối quan tâm rộng rãi của các nhà thiết kế trong năm nay, với các dự án tìm kiếm các ứng dụng mới cho chất thải nhựa hoặc tìm hướng nghiên cứu với hy vọng sẽ thay thế tất cả các vật liệu nhựa bằng các giải pháp bền vững hơn. Điển hình là người chiến thắng giải thưởng James Dyson năm nay là Lucy Hughes, đã tạo ra một loại nhựa sinh học có thể phân hủy hoàn toàn từ vảy và da cá.
Trước đó, một kĩ sư người Ghana tên là Nelson Boateng cũng đã có sáng kiến tái chế những rác thải nhựa thu được trên đường thành gạch lát vỉa hè. Anh Boateng cho biết, rác thải nhựa sau khi được thu gom từ khắp nơi trong thành phố sẽ được nghiền nát, rửa sạch rồi trộn với cát theo tỷ lệ 70% nhựa và 30% cát. Gạch lát vỉa hè bằng nhựa tái chế này được bán với giá 1 USD mỗi viên, rẻ hơn so với giá 1,50 USD đối với gạch bằng xi măng.
VLXD.org (TH/ VnEconomy)