Một doanh nghiệp tại Campuchia đang mở rộng mô hình biến rác thải nhựa thành gạch xây dựng cung ứng cho thị trường trong nước.
Công ty Eco-Bricks do anh Sok Thy, một kỹ sư người Campuchia sáng lập từ năm 2020. Hiện công ty của anh đã có 10 chi nhánh ở các địa phương và từng bước khẳng định được thương hiệu tại thị trường Campuchia. Mỗi tháng, công ty Eco-Bricks nhập hàng tấn rác thải nhựa để phục vụ sản xuất gạch, nhờ đó, góp phần hạn chế việc vứt bỏ, đốt rác thải nhựa bừa bãi.
Ông Sok Thy, Giám đốc Công ty Eco-Bricks cho biết, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân biết đến hoạt động sản xuất gạch sinh thái này đã thu gom rác thải nhựa cho chúng tôi. Hiện mỗi tháng chúng tôi sử dụng từ 5 - 10 tấn rác thải nhựa để làm nguyên liệu sản xuất gạch.
Rác thải nhựa gom về được nghiền vụn rồi trộn với đất, cát, xi măng, nước thành hỗn hợp nguyên liệu với tỷ lệ phù hợp, trong đó nhựa chiếm khoảng 35%. Sau đó, ép hỗn hợp này thành khuôn, đưa ra nơi khô ráo trong thời gian 24 giờ rồi mang đi phơi nắng kết hợp tưới nước mỗi ngày trong vòng 3 - 4 tuần là có thể thành phẩm.
Anh Lay Menghuot - Cơ sở sản xuất gạch Eco-Bricks tại tỉnh Siem Reap:, sản xuất gạch Eco-Bricks không cần dùng than củi để sấy, nhờ đó giúp hạn chế việc chặt phá rừng. Mặt khác, sử dụng gạch này cũng giúp tiết kiệm thời gian thi công, hạn chế việc sử dụng xi măng và có thể quét sơn trực tiếp mà không cần trát vữa.
Hiện gạch Eco-Bricks khá đa dạng về chủng loại, kích cỡ có thể sử dụng cho nhiều công trình xây dựng tại Campuchia. Theo Bộ Môi trường Campuchia, lượng rác thải ở nước này gia tăng từ 10 đến 12% mỗi năm, trong khi đó công nghệ xử lý, tái chế rác thải, nhất là rác thải nhựa tại đây vẫn còn hạn chế. Việc mở rộng sản xuất gạch sinh thái từ rác thải nhựa có thể là một mô hình hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn cho quốc gia Đông Nam Á này.
VLXD.org (TH/ VTV)
Ý kiến của bạn