Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

NGHIÊN CỨU - ỨNG DỤNG

Làm gạch sinh thái từ xỉ than, vôi sống và rác thải nhựa

30/11/2023 - 10:09 SA

Sử dụng xỉ than tổ ong, vôi sống, rác thải nhựa chế tạo gạch sinh thái thay thế cát và xi măng. Ý tưởng độc đáo này của hai học sinh lớp 12 Trường THCS- THPT Mỹ Phước (Mang Thít) vừa được giải nhì cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL" lần II/2023.
Ý tưởng đã góp phần giải quyết tình trạng rác thải nhựa, tình trạng nguồn tài nguyên cát ngày càng khan hiếm, bảo vệ môi trường… nên rất được kỳ vọng áp dụng vào thực tiễn. Em Võ Thị Mỹ Linh là người nảy ra ý tưởng này và đã được bạn Chung Nguyễn (học cùng lớp) cùng cô giáo Nguyễn Thị Quế Trân dạy môn Hóa học của trường hỗ trợ.

Rác thải nhựa chỉ mất vài giây để vứt bỏ nhưng lại cần hàng trăm năm mới phân hủy. Trong khi, nguồn cát xây dựng ngày càng cạn kiệt; việc khai thác cát cũng tác động đến môi trường… Những lý do này đã thôi thúc Mỹ Linh và Chung Nguyễn tìm tòi nghiên cứu, phát triển ý tưởng của mình.

Mỹ Linh chia sẻ, xem trên YouTube thấy có nhóm anh chị sinh viên làm thử nghiệm gạch sinh thái bằng cách kết hợp giữa hộp nhựa (hộp cơm) với cát và xi măng nên làm thử, nhưng bước đầu “cảm thấy không đạt chất lượng”. Không bỏ cuộc hai em tiếp tục nghiên cứu theo phương pháp khác nhưng rồi lại thất bại, bởi viên gạch vẫn không đạt độ cứng, đồng thời sử dụng xi măng cũng chưa thật sự bảo vệ môi trường.

Thấy gần nhà có quán ăn dùng than tổ ong, xỉ than đổ bỏ, nhờ cô Quế Trân hỗ trợ, tụi em lại có ý dùng vật liệu này làm gạch, Mỹ Linh cho biết, lần này lên ý tưởng với cách làm hoàn toàn mới theo công thức phối trộn gồm xỉ than tổ ong, vôi sống (CaO), nhựa theo tỷ lệ 1:1:1,75 và bột màu nung ở 200°C, trong thời gian 15 phút và cho vào khuôn ép. Và lần này đã thành công, chỉ mất 120 phút là có được viên gạch đẹp mắt. Chúng em nhận thấy, sản xuất gạch lót không dùng cát và xi măng là ưu điểm.

Đó cũng là lý do mà hai bạn tận dụng lại phế phẩm để giảm ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa... để làm gạch sinh thái. Ưu điểm của viên gạch lát nền này là chịu lực cao, không thấm nước, tuổi thọ cao và thích hợp với thời tiết và khí hậu ở Việt Nam.


Viên gạch được ép thủ công, nhưng vẫn đạt độ cứng.

Cô Nguyễn Thị Quế Trân (Trường THCS - THPT Mỹ Phước) cho biết, gạch sinh thái là sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có trên thị trường. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tiến hành sử dụng nhựa PET là dòng nhựa phổ biến chứa đựng hàng tiêu dùng. Sau khi PET qua khâu xử lý kéo thành sợi polyester có độ nhớt tạo chất kết dính, thay thế cho xi măng, vì polymer bị trơ, có khả năng chống lại sự tấn công của vi sinh vật làm cho gạch sinh thái không bị suy giảm về mặt sinh học, bền hơn.

Độ bền của PET cùng trọng lượng nhẹ là chìa khóa tạo ra gạch sinh thái nhẹ hơn gạch truyền thống. Xỉ than tổ ong có thành phần SiO2 chiếm gần 56% là nguyên liệu tuyệt vời thay thế cho cát xây dựng. Vôi sống rất nhạy với độ ẩm, dễ hấp thụ SO2 và CO2, HF…

Đồng thời, vôi sống qua quá trình tiếp xúc không khí hấp thụ CO2 tạo ra CaCO3 giống như đá vôi. Từ việc kết hợp 3 nguyên liêu cho ra sản phẩm gạch có độ cứng ổn định, không lên men, hư hỏng do ẩm và tính bền vững cao.

Tại cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL" lần II/2023 do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức mới đây, ý tưởng được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực về tính thực tiễn và khả năng nhân rộng. Có thể thay thế được gạch truyền thống vì chi phí thấp, nhẹ, chịu lực cao và bảo vệ môi trường.

Tham gia Hội đồng Giám khảo, thầy Võ Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Mỹ Phước cho biết, cuộc thi năm nay có nhiều ý tưởng hay. Gạch sinh thái tuy chỉ đoạt giải Nhì, nhưng được nhiều nhà khoa học kỳ vọng sẽ được áp dụng vào thực tiễn.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có nhà máy nhiệt điện, lượng xỉ than thải ra rất lớn. Vì vậy, với ý tưởng sản xuất gạch sinh thái từ nguyên liệu này được kỳ vọng áp dụng để chuyển phần phế phẩm xỉ than thành sản phẩm có ích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thầy Võ Hoàng Long kỳ vọng.

VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Long)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng