Hiện nay, khu vực nông thôn Việt Nam (bao bồm cả miền núi và các vùng phụ cận thành phố), người dân sống trong các ngôi nhà lợp ngói là phổ biến. Khác với mái lợp fibroximang và tôn, mái ngói có độ thông thoáng hơn vì chúng ngăn được nước mưa nhưng lại cho khí nóng lọt qua. Khi có bão, sự chênh lệch áp suất khí trong và ngoài nhà không quá lớn, nên nhà lợp ngói ít bị tốc mái hơn so với nhà lợp tôn hoặc fibroximang (Nguyên lý Becnuli về chuyển động của chất lỏng và chất khí).
Những ai từng sống ở khu vực miền Trung đều biết rõ điều này. Nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa đang có phong trào “ngói hóa”, thay các mái nhà tranh dễ cháy bằng mái ngói. Ngoài ra, bạn chỉ cần xây thêm bể chứa và hệ thống máng hứng, mỗi trận mưa rào cũng gom được vài mét khối nước sạch dùng cho sinh hoạt gia đình.
Nếu ta thay một số viên ngói thường bằng ngói thủy tinh để lấy ánh sáng tự nhiên, căn nhà sẽ giảm được lượng điện dùng cho chiếu sáng. Một viên ngói kích thước (20 x 30cm) cho 90% tia sáng xuyên qua, trong điều kiện ban ngày không mưa thì tương đương thắp một bóng đèn 70 W.
Với 15 triệu hộ sống ở nông thôn và miền núi (con số tính tròn) thì chỉ hai phần ba số hộ đó sử dụng mỗi hộ 2 viên ngói thủy tinh tương ứng với công suất:
10.000 000 x 0, 07 x 2 = 1.400.000 Kw = 1.400 Mw.
(Tương đương công suất của 3 nhà máy thủy điện Trị An).
Chỉ cần 5 giờ chiếu sáng mỗi ngày thì lượng điện tiết kiệm được: 1.400.000 x 5 = 7.000.000 Kwh.
Với giá điện (trung bình) 1.500 đồng một Kwh, tương đương với số tiền tiết kiệm được: 7.000.000 x 1.500 = 10,5 tỷ đồng một ngày (hay 3.600 tỷ đồng một năm, con số tính tròn). Quả là một con số không nhỏ.
Cách làm ngói thủy tinhKiểu thủ côngBạn tận dụng các mảnh kính cũ có kích thước hơi lớn hơn viên ngói (kính có màu đục là hay nhất) có chiều dày ≥ 4 mm. Cắt miếng kính đúng bằng kích thước của viên ngói (dùng dao cắt kính, hay tốt nhất là thuê thợ cắt kính làm). Nếu định thay thế ngói to (ta hay gọi là ngói Tây), bạn cắt thêm các thanh thủy tinh rộng khoảng 1, cm có chiều dài bằng chiều dài viên ngói, rồi dùng keo gắn kính gắn vào tấm thủy tinh để cho nước mưa chạy dọc theo chiều dài của viên ngói. Phía trên tấm thủy tinh gắn thêm 2 núm chống trôi là được.
Kiểu sản xuất hàng loạtBạn nấu thủy tinh cho nóng chảy (chai lọ vỡ, rác thủy tinh…), rồi đổ khuôn.
Hiện nay, người dân nông thôn Việt Nam sống trong các nhà mái ngói là phổ biến. Việc tự tạo các viên ngói thủy tinh không khó, chỉ cần vài mảnh kính có kích thước tương đương viên ngói, ít keo dán kính (loại dùng gắn bể cá cảnh, rất sẵn trên thị trường) và dao cắt kính là ai cũng tự làm được ngói thủy tinh. Đơn giản nhất là đặt thợ cắt kính làm, giá thành không quá 20 000 đồng một viên ngói (20 x 30) cm, theo thời giá hiện nay.
Nếu sản xuất hàng loạt, bạn có thể tận dụng nguồn rác thủy tinh, thủy tinh tái chế để giám giá thành và bảo vệ môi trường. Các nhà hàng, quán cà phê, thậm chí các chuồng trại chăn nuôi cũng có thể sử dụng ngói thủy tinh để chiếu sáng. Đây là giải pháp có tính thực tiễn cao và dễ thực hiện. Nếu áp dụng đại trà thì hiệu quả mang lại không nhỏ.
Theo VnExpress (QT)