Theo ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ưu điểm của
gạch xi măng-cốt liệu: nhẹ, sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu, công nghệ sản xuất không nung nên không gây môi trường, có thể tạo ra sản phẩm đa dạng về kích thước. Về hiệu quả kinh tế, 1 viên gạch xi măng-cốt liệu bán tại nhà máy là 820 đồng, trong khi đó 1 viên gạch nung có giá trên 1.000 đồng. Như vậy, xét về cả giá trị kinh tế, , xã hội gạch xi măng-cốt liệu rõ ràng chiếm ưu thế hơn nhưng hiện vẫn bị người tiêu dùng thờ ơ. Nguyên do là người tiêu dùng chưa am hiểu hết tính năng, ưu điểm cũng như nhược điểm của vật liệu xây không nung. Hơn nữa, một số nhà sản xuất không đầu tư xứng đáng cho công nghệ, không bảo đảm đúng quy trình sản xuất, không nghiên cứu quy trình cấp phối nguyên liệu. Ông Đặng Huyền Lê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP gạch Khang Minh (Hà Nam) - cho biết: nhược điểm của gạch
xi măng cốt liệu là bị thấm nước do trong quá trình sản xuất không tạo ra được sự kín khít của cốt liệu tạo khe hở, lỗ rỗng thông nhau trong viên gạch.
Đáng nói, hầu hết nguyên liệu sản xuất gạch xi măng-cốt liệu được tận dụng từ chất thải rắn công nghiệp như: mạt đá, xi măng, tro bay, xỉ than và các chất
phụ gia khác. Do vậy khâu phối trộn nguyên liệu với tỷ lệ phù hợp tạo ra sản phẩm có cường độ chịu nén, độ cứng và độ chống xuyên nước có vai trò quyết định chất lượng của sản phẩm.
Ông Thái Duy Sâm cũng khuyến cáo: các doanh nghiệp sản xuất loại
vật liệu này cần nghiên cứu rõ công nghệ sản xuất, trong đó phải đặc biệt nghiên cứu kỹ khâu cấp phối nguyên liệu. Sao cho có hạt lớn để tạo khung xương, độ chắc nhưng cũng có những thành phần mịn chèn đầy khe hở bảo đảm được độ chặt, độ chống thấm. Doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu sản xuất những viên gạch có kích thước lớn một phần sẽ tạo độ rỗng lớn, khối lượng thể tích có thể giảm đi. Viên gạch lớn giúp năng suất lao động trong quá trình thi công xây dựng cũng tăng cao, giảm lượng vữa đồng nghĩa với giảm chi phí cho người tiêu dùng.
VLXD.org (Nguồn: Báo Công Thương)