Theo quy định của Chính phủ, sau năm 2015, tất cả công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng 100% VLKN; đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 50% VLKN. Cụ thể hóa chủ trương này, ngày 31/7/2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2761/KH-UBND về triển khai Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư dự án các công trình xây dựng sử dụng VLKN đối với công trình có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trên toàn tỉnh; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng VLKN, không phân biệt nguồn vốn, địa bàn và số tầng.
Một công trình sử dụng hoàn toàn bằng gạch nung trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng, đến thời điểm hiện tại đa số các công trình xây dựng có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều sử dụng VLKN, như: Nhà tiếp công dân UBND tỉnh; nhà sinh hoạt cộng đồng và sân vận động TX. Mường Lay; Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng...
Trái ngược với các công trình có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, qua quan sát thực tế các công trình xây dựng có nguồn vốn ngoài ngân sách và đặc biệt đối với những công trình xây dựng tư nhân… người dân đều sử dụng gạch truyền thống (gạch nung); còn đối với VLKN người dân chỉ sử dụng trong các hạng mục, công trình phụ trợ, tường rào, chuồng trại chăn nuôi. Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) vừa xây căn nhà 7 tầng để kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nhưng sử dụng hoàn toàn bằng gạch nung. Khi được hỏi tại sao không sử dụng VLKN để xây dựng, vừa đảm bảo công trình mà giá thành lại hợp lý, chị Hạnh chia sẻ: Do thấy nhiều gia đình đều sử dụng gạch nung để xây nhà nên tôi không dám mạo hiểm thay đổi, hơn nữa sử dụng gạch này nhẹ hơn VLKN, sẽ làm giảm trọng lượng công trình và đặc biệt sử dụng gạch nung tôi cảm thấy yên tâm, mặc dù giá thành đắt hơn VLKN… Không chỉ riêng gia đình chị Hạnh mà rất nhiều gia đình khác đều có tâm lý như vậy.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện người dân chưa mặn mà với VLKN là do tâm lý sử dụng vật liệu truyền thống từ nhiều đời nay nên ngại thay đổi; đặc biệt là sự hiểu biết về VLKN của người dân còn hạn chế. VLKN có nhiều loại, như gạch xi măng cốt liệu, gạch nhẹ, gạch bê tông khí chưng áp…
Việc sử dụng VLKN tốt hơn rất nhiều so với sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, bởi VLKN có độ cứng cao, cách nhiệt tốt, có thể thay thế hoàn toàn các loại vật liệu cách nhiệt hiện có trên thị trường, đồng thời vừa phòng hoả, chống thấm, có kích thước chuẩn xác, nâng cao hiệu quả kiến trúc, giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công và giá thành hạ. Ðặc biệt sử dụng VLKN vừa an toàn, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đất nông nghiệp… Và tiến tới tỉnh sẽ xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.
VLXD.org (TH/ Báo Điện Biên)