Công ty TNHH Tuấn Hưng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế khoảng 11 triệu viên/năm. Ông Vũ Bảo Hà, Giám đốc Công ty cho biết, khác với sản xuất gạch truyền thống phải sử dụng nguyên liệu đất sét và dùng nhiên liệu để đốt gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên, Dự án dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty sử dụng xi măng, cát, mạt đá và chất phụ gia, sản xuất trên dây chuyền nén thủy lực. Sản phẩm gạch không nung của Công ty được tự động đóng rắn và đạt các chỉ số về cơ học, như: Cường độ nén, uốn, độ hút nước mà không sử dụng nhiệt độ nung. Dây chuyền còn tạo ra sự đa dạng cho các sản phẩm kích thước khác nhau, thích ứng các điều kiện trong xây dựng, nâng cao hiệu quả kiến trúc và bảo vệ môi trường. Hiện công ty đang tập trung vào các sản phẩm chính đang được tiêu thụ mạnh và các chủng loại được khuyến khích sản xuất theo quy định TCVN 6477:2011. Đó là các sản phẩm gạch đặc và gạch xây lỗ rỗng.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Tiến Hằng, xã Thắng Quân (Yên Sơn).
Công ty TNHH MTV Tiến Hằng ở thôn Ghềnh Gà, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đầu tư dây chuyền sản xuất gạch block không nung có tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, trong đó riêng máy ép gạch TPC-OP3 trị giá trên 600 triệu đồng. Hiện doanh nghiệp này sản xuất các loại gạch block không nung có kích thước 300 x 300 mm, 400 x 400 mm, 500 x 500 mm, đáp ứng nhu cầu gạch lát ba toa, vỉa hè sân chơi ở các công trình phúc lợi. Đồng thời, loại gạch này còn để lát sân và lát đường đi.
Theo ông Vũ Bạo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Hằng, công suất thiết kế của 2 dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đạt khoảng 10 vạn viên/ngày, tuy nhiên, do thị trường khó khăn, chủ yếu cung cấp cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nên công suất thực tế hiện chỉ đạt khoảng 5 vạn viên/ngày.
Theo các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung, thì việc phát triển sản phẩm này còn gặp những khó khăn, trở ngại, đặc biệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm khiến các doanh nghiệp không dám mạo hiểm trong đầu tư phát triển quy mô sản xuất.
Ông Vũ Bảo Hà, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Hưng cho biết, hiện tại nhà máy mới chỉ đạt hơn 50% công suất so với thiết kế ban đầu, lượng tiêu thụ gạch chủ yếu đến từ các đơn đặt hàng có sẵn. Một số người dân bắt đầu tiếp cận với loại gạch này của nhà máy, tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 20%, nhưng đây được coi là thành công, khi người dân đã bước đầu thay đổi tư duy sử dụng vật liệu xây dựng.
Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung. Trong đó có 8 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền tự động và 1 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền bán tự động. Năng lực sản xuất của các nhà máy đạt 56 triệu viên gạch/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có 2 doanh nghiệp không sản xuất do thị trường tiêu thụ loại vật liệu này không ổn định là dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng và dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Long Thắng (Sơn Dương).
Ông Đặng Ngọc Tần, Trưởng phòng Quản lý kinh tế xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, hiện các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh sử dụng vốn ngân sách nhà nước hầu như 100% sử dụng vật liệu gạch không nung. Có thể thấy, phát triển vật liệu xây dựng không nung để thay thế dần gạch đất sét nung sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực phù hợp với xu thế tất yếu cho phát triển bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, để gạch không nung thực sự đi vào đời sống, thiết nghĩ các chính sách, cơ chế ưu đãi đối với các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất gạch không nung của tỉnh cần sát sao và gắn với thực tế, tránh cấp phép đầu tư ồ ạt, thị trường bị chia nhỏ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây lãng phí trong đầu tư các dây chuyền sản xuất gạch không nung như hiện nay.
VLXD.org (TH/ Báo Tuyên Quang)