Để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng gạch không nung, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ tích cực để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực về vốn, mặt bằng, đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (Sở Công thương) đã triển khai hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho 4 cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh đầu tư mua sắm máy móc dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất....
Nhờ các giải pháp thiết thực đó, đến nay, 100% các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều sử dụng 100% gạch không nung.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần A&T, phường Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên).
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Đức Quang, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, so với gạch đất sét nung truyền thống, gạch không nung có những ưu điểm vượt trội như cường độ chịu lực và khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt; tiết kiệm được thời gian, vốn đầu tư xây dựng; trọng lượng gạch nhẹ, chủng loại, kích thước đa dạng và đạt được yêu cầu cao về thẩm mỹ.... cùng với việc triển khai nghiêm túc theo Thông tư 09, tất cả các công trình thuộc vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều sử dụng gạch không nung.
Những năm qua, việc sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển biến tích cực. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh loại vật liệu này tăng lên qua các năm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gạch không nung quy mô vừa và nhỏ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần quan trọng hướng tới sử dụng vật liệu "xanh" trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường.
Thành lập từ năm 2016 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Phát (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo) đã đầu tư 10 tỷ đồng mua sắm dây chuyền sản xuất gạch bê tông không nung hiện đại.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, với chủ trương khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng không nung của tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình đầu tư sản xuất theo công nghệ hiện đại với 3 loại gạch không nung chủ yếu là gạch đặc (kích thước 220 x 105 x 65 và 200 x 95 x 60), gạch 2 lỗ và gạch block 4 vách tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
Hàng năm, Công ty cung ứng ra thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận như: Hòa Bình, Thái Nguyên khoảng 17 - 18 triệu viên gạch không nung, đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Được đánh giá mang lại hiệu quả quả cao về nhiều mặt là vậy song theo anh Tuấn và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm gạch không nung vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường vật liệu xây dựng. Các đại lý chưa quan tâm còn người tiêu dùng vẫn tỏ ra "e ngại", tâm lý lo lắng khi cân nhắc chọn mua với các loại gạch truyền thống.
Thực tế, theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn cửa hàng vật liệu xây dựng đều ít quan tâm đến loại gạch này bởi khách hàng của họ chủ yếu là hộ gia đình và các đơn vị đầu tư quy mô nhỏ, hạn chế sử dụng loại vật liệu nhẹ này.
Theo lý giải của anh Đào Quang Minh, chuyên viên Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng), phần lớn các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung phải tự tìm thị trường tiêu thụ, trong đó, chủ yếu là liên kết với các đơn vị nhà thầu thi công các công trình xây dựng thuộc nguồn vốn Nhà nước.
Rất ít cá nhân, hộ gia đình khi có nhu cầu xây dựng tìm đến gạch không nung bởi thói quen và tâm lý sử dụng gạch không nung đã in sâu vào tâm trí từ nhiều năm nay, mặc dù giá cả tương đương nhau và chất lượng vượt trội của gạch không nung đem lại.
Có chăng là, họ tìm mua gạch không nung để xây tường rào, cổng, ngõ hay các công trình phụ vì suy nghĩ khả năng chịu lực, độ bền kém hơn so với gạch nung". Thêm vào đó, không phải cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng không nung nào cũng có khả năng vay vốn hay tài chính để đầu tư dây chuyền hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng hay được Nhà nước ưu đãi hỗ trợ về thuế, mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc biệt, chủ trương sử dụng vật liệu xây dựng không nung mới chỉ bắt buộc ở các công trình sử dụng vốn Nhà nước nên đối tượng thực thi hạn chế... Tất cả những yếu tố này chính là khó khăn, "rào cản" cho phát triển thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung.
VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Phúc)