>> Công bố giá vật liệu xây dựng các tỉnh, thành
>> Luật Xây dựng (sửa đổi): Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng
>> Tăng cường quản lý chất lượng vật liệu xây dựng
Theo Bộ Xây dựng, việc giá vật liệu tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án.
Chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm gốc năm 2020
Số liệu do các địa phương công bố cho thấy chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm gốc năm 2020 (thời điểm chưa có biến động), trong đó chỉ số giá xây dựng một số công trình (công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tại một số địa phương tăng từ 15%-20%.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh thừa nhận, yếu tố này đã tác động lớn đến công tác quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thi công.
Cụ thể, đối với hợp đồng trọn gói đang triển khai, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của pháp luật đây là loại hợp đồng có giá trị hợp đồng không thay đổi suốt quá trình thực hiện.
Qua theo dõi, tổng hợp các ý kiến của các địa phương, giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng bất thường tác động chủ yếu đến các hợp đồng được ký kết trước quý IV/2020 trở về trước và các hợp đồng quy mô nhỏ có giá trị <= 20 tỷ đồng được ký kết từ năm 2021 trở lại đây (theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các hợp đồng quy mô nhỏ phải thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói).
Ngoài ra, có một số hợp đồng thi công chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan như: chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng của dịch covid-19 hoặc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế.... dẫn đến một số nhà thầu đã “rơi” vào giai đoạn giá tăng cao, là một trong những nguyên nhân nhà thầu gặp khó khăn, thi công cầm chừng.
Đối với hợp đồng đơn giá cố định, Bộ Xây dựng cho biết là theo quy định của pháp luật đây là hợp đồng có đơn giá thanh toán cố định trong suốt quá trình thực hiện, do vậy khi tăng giá vật liệu, nhiên liệu thì cũng gặp khó khăn tương tự như đối với trường hợp hợp đồng trọn gói.
Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh vốn được hầu hết đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, các công trình thi công sau năm 2020 đều chọn phương án ký kết hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng đã quy định rõ các phương pháp điều chỉnh giá để chủ đầu tư, nhà thầu lựa chọn (điều chỉnh theo chỉ số giá công trình, chỉ số giá theo nhóm vật liệu xây dựng chủ yếu; điều chỉnh theo từng danh mục giá vật liệu xây dựng; giá điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp, ...).
Việc thực hiện các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh sẽ giảm thiểu các rủi ro, ảnh hưởng do biến động giá vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu, xác lập, ký kết các hợp đồng thi công phụ thuộc vào việc lựa chọn, áp dụng nguồn giá/chỉ số giá xây dựng, phạm vi điều chỉnh giá đã được các bên thỏa thuận trong từng hợp đồng/gói thầu cụ thể.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, thực tế, thời gian qua việc thực hiện hợp đồng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc gồm: giá vật tư, vật liệu và chỉ số giá xây dựng ở nhiều địa phương công bố, dùng để điều chỉnh giá hợp đồng đã công bố chậm; một số giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng công bố không sát với diễn biến giá trên thị trường; danh mục vật liệu xây dựng công bố không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thanh toán các hợp đồng.
Phạm vi điều chỉnh giá trong một số hợp đồng cũng bị giới hạn do các bên không lường hết rủi ro về trượt giá và tình trạng thiếu nguồn cung đối với một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu (như đất đắp, cát, đá...), nhất là các dự án đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1. Một số hợp đồng không xác lập việc điều chỉnh giá đối với phần vật liệu đất đắp (chiếm tỷ trọng khoảng 15-25% giá hợp đồng).
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc chủ đầu tư lựa chọn các phương pháp, phạm vi, đối tượng, nguồn dữ liệu để áp dụng trong hợp đồng chưa phù hợp, đã không phản ánh đúng thực tế biến động giá thị trường.
VLXD.org (TH/ tinnhanhchungkhoan)