Nội dung văn bản nêu rõ, trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, qua một thời gian triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất (CSSX) gạch xây không nung đã đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các công trình xây dựng; số lượng các CSSX đã được phân bố cơ bản đồng đều, chất lượng được nâng cao, giá thành phù hợp, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây lắp; việc sử dụng gạch xây không nung trong các công trình xây dựng đã được các cấp, các ngành và các chủ đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước nghiêm túc thực hiện và được nhân dân, doanh nghiệp sử dụng ngày càng tăng. Với năng lực sản xuất hiện tại của các CSSX gạch xây không nung, sản lượng gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh đảm bảo đạt tỷ lệ 30 - 40% vào năm 2020 và hoàn thành được mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất và sử dụng gạch xây không nung còn một số tồn tại và bất cập như: Các CSSX gạch không nung trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào đầu tư sản xuất sản phẩm gạch bê tông cốt liệu xi măng và mạt đá; chưa chú trọng vào đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây loại nhẹ như: Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp; tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện, chất thải công nghiệp... Một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng các loại sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD) trước khi đưa vào sử dụng trong công trình xây dựng theo đúng yêu cầu của thiết kế được duyệt, còn tình trạng đưa các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về chất lượng vào xây dựng công trình.
Thực hiện Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng và để khắc phục những tồn tại nêu trên. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, các chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nội dung sau:
(1) Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung (bao gồm: Gạch bê tông; gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1.000 lcg/m3; tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicát) trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: Thành phố Bắc Giang sử dụng tối thiểu 90%; các huyện còn lại sử dụng tối thiểu 70%.
(2) Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.
(3) Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung hoặc trường hợp công trình quy định sử dụng vật liệu xây không nung nhưng do không đủ nguồn cung cấp, giá thành cao hơn giá gạch nung cùng loại hoặc chất lượng không đảm bảo thì chủ đầu tư phải báo cáo Sở Xây dựng để kiểm tra, xem xét và trình Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản làm cơ sở cho việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dụng công trình.
(4) Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, các chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chịu trách nhiệm sử dụng vật liệu xây không nung đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng công trình: Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng các loại sản phẩm, hàng hóa VLXD trước khi đưa vào sử dụng trong công trình xây dựng theo đúng yêu cầu của thiết kế được duyệt, nhất là vật liệu xây không nung. Các sản phẩm, hàng hóa VLXD đưa vào sử dụng cho công trình phải bảo đảm chất lượng và có đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng, các chứng chỉ, chứng nhận, các thông tin, tài liệu có liên quan (nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; các thông số kỹ thuật; bản công bố hợp quy/hợp chuẩn; giấy chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn; thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy; hợp đồng cung ứng và chứng chỉ xuất xưởng của đơn vị cung ứng sản phẩm; kết quả kiểm định, thí nghiệm của các đơn vị thí nghiệm, kiểm định chuyên ngành...) theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Nghiêm cấm các nhà thầu đưa các sản phẩm, hàng hóa VLXD không đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo quy định vào thi công công trình; đồng thời, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất, kinh doanh VLXD của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VLXD: Phải thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định. Cần quan tâm áp dụng công nghệ mới và không ngừng cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời, sản xuất đa dạng các loại sản phẩm, nhất là gạch xây không nung loại nhẹ để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh; khuyến khích chuyển giao, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và cải tiến kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc công bố, niêm yết giá bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các đối tượng sử dụng nhằm đảm bảo nguồn gốc chất lượng sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.
Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về quản lý chất lượng và sử dụng vật liệu trong các công trình xây dựng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư xây dựng công trình. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm VLXD không công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuấn đã được công bố.
Chủ tịch UBND tỉnh giao giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra, thanh tra việc đầu tư xây dựng công trình kết hợp với việc kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong các công trình xây dựng; kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
VLXD.org (TH)