Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác tại Mỏ đá Nà Tọ, xóm Địa Lan, xã Sóc Hà (Hà Quảng).
Là một trong những cơ sở khai thác đá lớn trên địa bàn tỉnh, mỏ khai thác đá Ngườm Cảng, thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa) của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Việt 68 đầu tư có tổng diện tích 2 ha, hoạt động từ năm 2013 với trữ lượng khai thác khoảng 15.000 m3/năm. Bên cạnh khai thác đá, công ty còn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch, tận dụng đá để sản xuất gạch với số lượng khoảng 3,6 triệu viên/năm.
Dù khá xa khu vực dân cư nhưng những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng doanh thu và thu nhập cho người lao động, công ty luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường được công ty chú trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Ông Nông Hồng Việt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Việt 68, Giám đốc điều hành Mỏ đá Ngườm Cảng cho biết, để bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, khai thác đá, Công ty đã lắp đặt hệ thống phun nước tạo ẩm đá nguyên liệu, phun sương làm ướt đá tại các đầu băng tải máy nghiền sàng và thường xuyên bảo dưỡng thiết bị, máy móc theo định kỳ... để giảm khói bụi và tiếng ồn.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu việc đầu tư sử dụng hệ thống giàn phun sương dập bụi làm tăng độ ẩm trong không khí, những hạt sương li ti sẽ kết bụi lại với nhau trở nên nặng hơn và rơi xuống đất, giúp giảm nhanh nồng độ bụi trong không khí. Nhờ vậy, môi trường không khí xung quanh khu mỏ và trong khu vực sản xuất đã đảm bảo hơn.
Với diện tích khoảng 0,3 ha, trữ lượng khai thác 5.000 m
3/năm, Mỏ đá Nà Tọ, xóm Địa Lan, xã Sóc Hà (Hà Quảng) do Hợp tác xã Cường Thành đầu tư có quy mô, trữ lượng khá nhỏ so với các mỏ đá khác trên địa bàn tỉnh. Vị trí mỏ nằm ngay cạnh tuyến đường liên huyện từ Hà Quảng sang Thông Nông nên hoạt động khai thác đá của đơn vị không thuận lợi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn trong khai thác và vấn đề môi trường. Vài năm gần đây, một số hộ dân xóm Địa Lan kiến nghị việc Hợp tác xã khai thác đá gây bụi, ồn, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Một số diện tích ruộng gần điểm khai thác bị đá rơi làm ảnh hưởng tới việc sản xuất.
Ông Trần Hữu Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Cường Thành cho biết, quá trình nổ mìn khai thác đá và công đoạn nghiền đá khó tránh khỏi xuất hiện bụi ra môi trường. Tuy nhiên, đơn vị đã lắp đặt hệ thống xử lý, dập bụi bằng vòi phun nước đến các đầu nghiền và đầu hệ thống băng tải. Quan tâm xây dựng kho chứa chất thải nguy hại, tránh để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác và sản xuất. Nếu hệ thống xử lý, dập bụi bị trục trặc sẽ ngừng sản xuất đến khi được khắc phục. Đầu tư thêm vòi phun nước trong khu vực mỏ, phun nước trong quá trình xúc, bốc đá lên xe để hạn chế mức thấp nhất bụi bẩn, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh khu vực mỏ đá.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 39 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng (30 mỏ đang hoạt động, 9 mỏ dừng hoạt động chờ xin thủ tục đóng cửa mỏ). Các mỏ có trữ lượng khai thác trung bình từ 5.000 - 20.000 m
3/năm, tổng trữ lượng khai thác của tất cả các mỏ theo giấy phép là 476.000 m
3/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hạ Lang, Nguyên Bình, Quảng Uyên, Hòa An, Trùng Khánh và Thành phố. Những năm qua, cùng với công tác đảm bảo an toàn lao động, công tác bảo vệ môi trường cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiếp, Trưởng Phòng Đo đạc và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Hoạt động khai thác đá có những tác động đối với môi trường là điều khó tránh khỏi, nhưng mỗi cơ sở, doanh nghiệp khai thác đá cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến. Gắn hoạt động khai thác, sản xuất đá với bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Sở đã siết chặt quản lý ngay từ khâu phê duyệt các dự án, cấp phép hoạt động. Nếu dự án nào thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường chưa đảm bảo, đơn vị yêu cầu chủ dự án thực hiện đầy đủ các biện pháp, kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác đá và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác đá không chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường… để các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác đá.
VLXD.org (TH/ Báo Cao Bằng)