Theo đó, căn cứ pháp lý liên quan đến khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng bổ sung: Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.
Các nội dung lập quy hoạch cần bám sát các quy định tại khoản 3, Điều 20, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ và Điều 11, Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Ngoài ra phần hiện trạng quy hoạch, đề nghị bổ sung:
Đề nghị bổ sung những nội dung đánh giá dự báo công nghệ khai thác, chế biến để đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường làm cơ sở thực hiện quy hoạch.
Bổ sung quan điểm: Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ và phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh, quy hoạch vật liệu xây dựng, quy hoạch và kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác, , không làm ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.
Bổ sung một số mục tiêu cụ thể: Dự kiến giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng bình quân, đóng góp cho nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đối với một số chủng loại khoáng sản cần lưu ý như: Đá xây dựng cần rà soát, sắp xếp lại những cơ sở khai thác hiện có. Quy hoạch cần đưa ra các tiêu chí kỹ thuật để doanh nghiệp thực hiện đầu tư. Khuyến khích các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng tận dụng nguồn đá mạt để sản xuất gạch không nung, cát nghiền thay thế cát tự nhiên, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Thực hiện công văn số 6667/VPCP-CN ngày 27/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Nâng cao công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền; không cấp mới, không gia hạn khai thác đối các khu vực khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan môi trường.
Đất sét gạch ngói: Để thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, do đó quy hoạch cần chỉ rõ các vùng nguyên liệu sản xuất gạch, ngói gắn với lộ trình hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lòng vòng.
Cát xây dựng: Định hướng cần tổ chức xắp xếp lại các khu vực khai thác cát có quy mô nhỏ lẻ, manh mún để đảm bảo môi trường; khuyến khích phát triển cát nghiền thay thế cát tự nhiên.
Đối với khoáng sản kim loại: Định hướng việc quy hoạch sắp xếp các hoạt động khai thác, chế biến tập trung nhằm nâng cao độ thu hồi khoáng sản, đảm bảo loại bỏ những cơ sở chế biến lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn có nhà máy chế biến quặng bôxit đây là ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp giá trị kinh tế lớn của tỉnh. Tuy nhiên, cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực này. Đề nghị trong quy hoạch cần ưu tiên tập trung xử lý bùn đỏ trong quá trình tuyển quặng bôxit để làm nguyên liệu sản xuất gạch, vừa xử lý môi trưởng và tiết kiệm tài nguyên.
Đề nghị quy định rõ sự phối hợp các Sở, ban ngành của địa phương trong việc thẩm định đối với các dự án khai thác, chế biến đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)