Theo đó, Thông tư quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu hoặc tại địa điểm khác; hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Thông tư, hàng hóa của cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp nhập khẩu khi bày bán tại các cửa hàng hoặc lưu kho thì phải có: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (trường hợp cửa hàng hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn tỉnh, thành phố); phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn (trường hợp cửa hàng hạch toán độc lập hoặc không cùng địa bàn với trụ sở chính); phiếu nhập kho (trường hợp hàng hóa lưu kho).
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa hoặc kinh doanh, mua, bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa nhập khẩu hoặc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được phép tiêu thụ tại Việt Nam.
Cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các đơn vị, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có trách nhiệm: Thực hiện đúng, đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường quy định tại Thông tư và các quy định khác của pháp luật liên quan; có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành chính về quyết định xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử lý.
Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA và
sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Theo Tài chính