Theo đó,Thông tư này được áp dụng cho các nhóm đối tượng sau: Người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Thông tư 110/2015/TT-BTC quy định trong thực hiện các các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử.
Người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế theo phạm vi quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Mọi thông báo của cơ quan thuế từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được gửi đến địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế, đồng thời được lưu trữ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Người nộp thuế có thể tra cứu các thông báo qua tài khoản giao dịch thuế điện tử hoặc mã giao dịch điện tử do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cấp cho người nộp thuế.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2015, thay thế Thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010, Thông tư số 35/2013/TT-BTC ngày 1/4/2013 của Bộ Tài chính. Các quy định về quản lý thuế không hướng dẫn tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
>> Chi tiết Thông tư số 110/2015/TT-BTC, xem
TẠI ĐÂY.
Mạnh Thân - VLXD.org