Các giải pháp giảm nhẹ BĐKHTheo Kế hoạch hành động, Bộ Xây dựng sẽ tập trung đánh giá và dự báo những tác động của BĐKH và nước biển dâng (NBD) đối với ngành Xây dựng qua các thời kỳ khác nhau của thế kỷ XXI làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH và NBD đối với ngành. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, đảm bảo tính an toàn và ổn định cho công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn với chi phí hợp lý.
Kế hoạch hành động cũng sẽ tập trung vào mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động của ngành, đặc biệt trong sản xuất vật liệu xây dựng; Đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đô thị xanh, góp phần giảm nhẹ BĐKH, phát triển bền vững.
Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ cập nhật các kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam, trên cơ sở đó xác định, bổ sung những kịch bản BĐKH cho ngành Xây dựng và cho các vùng khí hậu xây dựng khác nhau theo hai giai đoạn: Ngắn hạn (đến năm 2030) và dài hạn (từ 2030 - 2100).
Các đối tượng chịu tác động của BĐKH và NBD trong các lĩnh vực khác nhau của ngành như đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở và công sở, vật liệu xây dựng… sẽ được xác định rõ và đánh giá những tác động tiềm tàng của BĐKH và NBD, trong đó chú trọng tới các vùng thấp ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành Xây dựng cũng sẽ tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu kinh tế ven biển… chịu ảnh hưởng của NBD và thiên tai, từ đó đưa ra định hướng các giải pháp ứng phó chủ đạo (bảo vệ, thích ứng, rút lui) đối với tác động của NBD.
Theo Kế hoạch hành động Bộ Xây dựng đưa ra, cùng với việc xác định các đối tượng bị ảnh hưởng, rà soát lại quy hoạch, Ngành sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp ứng phó có hiệu quả đối với BĐKH và NBD, ứng dụng các giải pháp mới trong thiết kế và xây dựng công trình nhằm giảm thiểu tác hại của những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai…
Triển khai 23 dự ánĐể triển khai Kế hoạch hành động, Bộ Xây dựng đã phê duyệt 4 nhiệm vụ gồm 23 dự án ưu tiên nhằm ứng phó với BĐKH và NBD giai đoạn 2014 - 2020. Nhiệm vụ thứ nhất là tập trung soát xét, bổ sung hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng; Các quy định, hướng dẫn của Bộ có liên quan đến BĐKH và NBD. Thứ hai là nghiên cứu các giải pháp ứng phó với BĐKH của ngành Xây dựng, trong đó tập trung nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, các điểm dân cư nông thôn ứng phó với BĐKH và NBD; các giải pháp hiệu quả ứng phó với úng ngập do mưa lớn, triều cường và NBD; Các giải pháp kỹ thuật xây dựng phòng và giảm nhẹ tác động của bão, lũ lụt khu vực ven biển miền Trung, Nam bộ; Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH, giai đoạn 2013 - 2020” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)…
Nhiệm vụ thứ ba là nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ BĐKH của ngành Xây dựng, trong đó tập trung nghiên cứu, triển khai các hoạt động xây dựng đô thị xanh, công trình xanh; Nghiên cứu, phát triển vật liệu và sản phẩm xây dựng xanh (TKNL, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm môi trường); nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp giảm phát thải CO2 trong công nghiệp sản xuất xi măng, các vật liệu xây dựng khác…
Nhiệm vụ thứ tư là tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách, đào tạo tập huấn về BĐKH và NBD cũng như tác động của nó đến ngành Xây dựng.
Nguồn vốn để triển khai Kế hoạch hành động là từ vốn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được ưu tiên sử dụng trong việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách trong bối cảnh BĐKH và NBD; nguồn vốn ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ…
Bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách, ngành Xây dựng sẽ tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác song phương, đa phương nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH của ngành Xây dựng.
SJ (TH/ báo Xây dựng)