Núi Bà Tài là một trong 97 điểm cấm khai thác
Theo đề án, khu vực cấm hoạt động khoáng sản là khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; khu vực đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hoặc quy hoạch đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; khu vực quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng – an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.
Còn khu vực tạm thời cấm là dựa theo các yêu cầu về quốc phòng – an ninh; bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đang được xem xét công nhận hoặt phát hiện trong quá trình thăm dò khoáng sản và khu vực phòng, tránh, khắc phụ hậu quả thiên tai.
Cụ thể, núi đá vôi cấm khai thác tại các mỏ: Núi Đá Dựng, Thạch Động, Ba Hòn, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử - Đá Lửa, núi Bà Tài, hòn Lô Cốc, Hang Tiền, núi Bãi Voi, hang Cây Ớt, mỏ đá vôi cạnh núi Sơn Trà… Đá xây dựng cấm khai thác tại các địa điểm: Hòn Me, Hòn Đất, Hòn Tre… Và than bùn cấm hoàn toàn tại huyện U Minh Thượng.
Hiện tại về hoạt động khai thác đá vôi để làm xi măng chỉ tính riêng tại quần thể núi đá vôi huyện Kiên Lương có tám công ty được cấp phép khai thác. Trong đó lớn nhất là Công ty liên doanh xi măng Sao Mai được cấp phép khai thác tại các núi: Khoe Lá, Bãi Vôi, Cây Xoài với tổng trữ lượng được phép khai thác trong vòng 50 năm lên tới 130,2 triệu mét khối, công suất khai thác trung bình 2,5 triệu khối/năm.
Kế tiếp là Công ty xi măng Hà Tiên II khai thác núi Trầu và núi Còm với tổng trữ lượng 32,3 triệu mét khối, công suất 1,7 triệu khối/năm… Ngoài ra, các công ty xi măng đều được phép khai thác thêm các mỏ đất sét cũng để làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang, nhưng những hệ lụy của việc khai thác nguồn tài nguyên này là không nhỏ.
Nguồn: Nhân dân *