Những công trình xây dựng tiết kiệm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hạn chế sử dụng gỗ quý trong xây dựng
Bộ Xây dựng cho biết, qua gần 10 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng đã được ban hành tương đối đầy đủ và ngày dần hoàn thiện, luật đã đi vào cuộc sống và phù hợp với cơ chế thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, bước đầu đưa hoạt động xây dựng đi vào nề nếp. Tuy nhiên, thực tế chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư và hoạt động xây dựng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hiệu quả chưa cao. Chính vì thế, phần đông các ý kiến nhất trí cần thiết phải sửa đổi Luật Xây dựng năm 2003 cho phù hợp với tình hình chung của đất nước hiện nay, đặc biệt là những công trình xây dựng mới cần phải bền vững, thích nghi với ứng phó biến đổi khí hậu.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc, hội kỳ vọng Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có những công trình kiến trúc đặc sắc phát huy bản sắc dân tộc, đặc thù của dân tộc. Theo bà Khánh, cần phải quy định một số điều cơ bản để đảm bảo vấn đề về xây dựng. Trước nhất là phải tuân thủ theo khoa học, đồng bộ để bảm đảm phát triển bền vững, phải tôn trọng quy hoạch giao thông, bảo tồn sinh học và công khai minh bạch chống lãng phí trong quy hoạch xây dựng. Bên cạnh đó, luật cũng cần có chính sách khuyến khích như việc sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, những công trình để lại dấu ấn cho địa phương…
Để sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng tạo ra những công trình xây dựng vừa hiện đại, vừa tiết kiệm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Khánh góp ý cụ thể: bên cạnh khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng (VLXD) xanh cũng cần phải có quy định hạn chế sử dụng các loại gỗ quý nhằm hạn chế việc chặt phá rừng và khai thác gỗ bừa bãi; thay thế những loại VLXD mau hỏng trong xây dựng để đảm bảo tính bền vững. Nếu không quy định, người dân cứ sử dụng những loại VLXD rẻ tiền mau hư hỏng rồi xả thải ra môi trường, sau đó các cơ quan về môi trường lại phải đi lo tái chế những vật liệu đó là không căn cơ. Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng đồng tình và đề nghị trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi nên bổ sung thêm một chương riêng về quản lý VLXD. Theo ông Quách Hồng Tuyến, quy định của Luật Xây dựng không có chương, điều khoản riêng quy định về quản lý VLXD, trong khi đó VLXD là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản, góp phần quyết định chất lượng công trình. Do đó, đề xuất nội dung quản lý VLXD cần quy định thành một chương riêng trong Luật Xây dựng để có hành lang pháp lý về quản lý, sản xuất kinh doanh, lưu hành VLXD trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng.
Xây dựng nông thôn mới ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo Ban soạn thảo Luật Xây dựng, dự thảo Luật Xây dựng mới có một chương mới quy định Quy hoạch xây dựng nông thôn. Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng nông thôn cần làm rõ những nội dung sau: mục tiêu, quan điểm; phạm vi, ranh giới; tính chất, chức năng xã; xác định các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của xã; dự báo dân số, lao động, đất đai, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu; các yêu cầu về nguyên tắc tổ chức phân bố các khu chức năng như: sản xuất, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, ở, dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật khác. Dự thảo quy định đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn phải xác định tiềm năng, động lực phát triển; quy mô dân số, lao động, đất đai; mạng lưới điểm dân cư nông thôn; định hướng tổ chức không gian tổng thể toàn xã; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sản xuất; quy hoạch xây dựng; định hướng phát triển các khu chức năng là sản xuất, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, ở, dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật khác. Thời hạn đối với quy hoạch chung xây dựng nông thôn từ 10 đến 15 năm.
Góp ý về xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến cho rằng nên chú trọng công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng chung cho cả vùng như đê biển, cống điều tiết nước ở các cửa sông, vấn đề nước ngọt, điện... Tùy vào tình hình thực tế của các tỉnh ven biển mà xây dựng chi tiết các bước thực hiện từng tiêu chí, lấy phương châm và khai thác kinh nghiệm chung sống với mùa nước nổi làm cơ sở thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện trước những tiêu chí có điều kiện thực hiện. Các đại biểu phân tích: biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao sẽ phá vỡ các quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh khu vực ven biển. Tác động xấu của biến đổi khí hậu còn làm gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển, đê biển; gây thiệt hại nghiêm trọng đến diện tích sản xuất nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của cộng đồng dân cư nông nghiệp, nông thôn ở khu vực ven biển. Vì vậy, thực hiện xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỉnh ven biển chú trọng công tác quy hoạch có chiều sâu, đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn kết với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xác định rõ mối liên quan giữa ứng phó-giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.
Theo SGGP