Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

Khai thác tài nguyên khoáng sản làm VLXD: Lợi ích chưa tương xứng với giá trị

24/02/2012 - 02:38 CH

Với trữ lượng tài nguyên khoáng sản có thể gọi là đa dạng và phong phú, nước ta ắt sẽ có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp VLXD không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu khai thác không theo quy hoạch, không chịu đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại thì chẳng những gây lãng phí tài nguyên mà giá trị thu lại chỉ như muối bỏ bể mà thôi.




“Dễ làm khó bỏ”


Sản xuất các chủng loại VLXD đều cần có nguyên liệu như: Sản xuất xi măng cần có đá vôi, đất sét, các loại phụ gia; sản xuất gạch ngói cần có đất sét; sản xuất thủy tinh xây dựng cần có cát trắng, đôlômit, đá vôi; sản xuất gốm sứ xây dựng cần có đất sét, cao lanh, tràng thạch, thạch anh; sản xuất bê tông cần có đá xây dựng, cát xây dựng… Theo thống kê từ năm 2005 - 2010, chúng ta đã khai thác và đưa vào sản xuất hơn 3,2 tỷ tấn nguyên liệu để sản xuất VLXD. Cũng trong khoảng thời gian đó, ngành công nghiệp VLXD đã cung cấp cho thị trường khối lượng VLXD rất lớn, đó là hơn 245 triệu tấn xi măng; 651 triệu m3 đá xây dựng; 400 triệu m3 cát sỏi xây dựng; gạch ốp lát ceramic và granite là 1.057 triệu m2; 111 tỷ viên gạch ngói đất sét nung; 34,3 triệu sản phẩm sứ vệ sinh; 448,4 triệu m2 kính xây dựng; 35,4 triệu m2 đá ốp lát granite, marble…. Những con số này đủ cho thấy ngành công nghiệp VLXD có nhu cầu về nguyên liệu lớn biết chừng nào và có vị thế quan trọng ra sao trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở nước ta.

Thế nhưng, tình trạng khai thác khoáng sản làm VLXD ở nước ta lại tồn tại những tình trạng đáng buồn. Theo như nhận định của nhiều chuyên gia VLXD thì tình trạng khai thác khoáng sản thô, không chế biến sâu dẫn đến sản phẩm có sức cạnh tranh kém… hiện đang diễn ra khá phổ biến. Lý do được giải thích khá đơn giản: Vì để nhanh thu lại lợi nhuận mà không cần đầu tư tốn kém! Chính bởi vậy mà hàng trăm núi đá vôi, đá granite, đá cẩm thạch, đá bazan, đôlômit, fenspat; hơn 1.000ha đất canh tác đã được khai thác không tái tạo; trong đó có không ít mỏ khai thác không có thiết kế được duyệt, khai thác không theo đúng quy trình, quy phạm, theo lối ăn xổi, dễ làm còn khó bỏ… gây lãng phí một lượng lớn tài nguyên, đồng thời phá hoại cảnh quan tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng.

Khai thác cát cũng vậy, nhiều nơi cứ đóng cái bè nứa rồi đặt lên bè cái máy hút mini của Trung Quốc, rồi hút xả lên bờ cả cát cả nước, cho nước trôi đi, còn cát đọng lại và đem bán; chỗ này hết cát thì di chuyển bè đến chỗ khác lại hút, lại xả. Hầu hết các con sông trên cả nước, sông nào cũng có tình trạng khai thác cát bừa bãi. Đặc biệt, với cao lanh đất sét trắng, tràng thạch dùng để sản xuất gốm sứ là loại khoáng sản quý hiếm với trữ lượng không lớn, nhưng hầu hết lại được khai thác, chế biến theo công nghệ cũ, chất lượng thấp, hệ số thu hồi thấp, gây lãng phí tài nguyên. Một ví dụ rất điển hình là mỏ fenspat Đại Lộc - Quảng Nam có chất lượng tốt được cấp cho nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực vào khai thác chế biến thủ công, lẫn lộn cả loại I, loại II hạ thấp chất lượng của mỏ, làm mất giá trị sản phẩm. Hay đá trắng rất có giá trị để tạo ra VLXD cao cấp thì một số địa phương có nguồn nguyên liệu này lại khai thác không biết tính toán, gây lãng phí trong khi đó, xuất khẩu thô những sản phẩm này tính theo mét khối không đáng giá bằng việc xẻ theo từng mảng tính bằng mét vuông, giá trị sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Giải pháp nào cho ngành công nghiệp VLXD?

Nhận định về tình hình quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản làm VLXD, TS Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết: Việc thực thi luật khoáng sản đã được Quốc hội thông qua ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khoáng sản số 46/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 cùng với bản Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 còn nhiều hạn chế và chưa được quán triệt đến cơ sở. Quy hoạch là một đường, nhưng quản lý quy hoạch còn kém, các địa phương còn buông lỏng giám sát. Trên thực tế, việc cấp giấy phép khai thác và quản lý khai thác khoáng sản còn chồng chéo giữa cơ quan trung ương và địa phương; vẫn còn tồn tại cấp phép theo lối xin - cho, cấp phép trong thời hạn ngắn từ 2 - 4 năm hay cấp phép cho những ông chủ không đủ năng lực để đầu tư công nghệ, thiết bị cho khai thác bảo vệ môi trường; cấp phép khai thác không đúng theo yêu cầu sử dụng như lấy đá vôi chất lượng tốt làm vật liệu san lấp mặt bằng gây lãng phí tài nguyên; cấp phép không kết hợp bảo vệ di tích cảnh quan, môi trường sinh thái…

Trong 10 năm tới, từ 2010 - 2020, chúng ta sẽ phải khai thác một khối lượng rất lớn nguyên liệu là 10 tỷ tấn để đáp ứng nhu cầu sản xuất VLXD. Hơn nữa, trên thị trường quốc tế, nhu cầu sử dụng những sản phẩm VLXD cao cấp, được chế biến sâu… là rất lớn, do vậy, thị trường xuất khẩu VLXD sẽ vô cùng rộng mở cho Việt Nam. Nếu để tình trạng khai thác gây lãng phí như hiện nay còn tiếp diễn thì không biết trong tương lai, chúng ta có còn tài nguyên để khai thác sử dụng và xuất khẩu nữa hay không? Chính bởi vậy, việc quản lý khoáng sản, cần phải được thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ việc cấp giấy phép khai thác, quản lý quá trình khai thác, sử dụng khoáng sản theo đúng quy hoạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép khai thác lâu dài. Nên chăng sớm cấm chấm dứt việc cấp phép 3 - 4 năm “xin - cho” đang gây nhũng nhiễu tiến tới đấu thầu khai thác mỏ, bảo vệ môi trường và thiết kế hoàn thổ? Thêm đó, giải pháp quan trọng nữa là việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cùng kỹ thuật hiện đại trong khai thác và chế biến để có thể tận thu khoáng sản, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh. Cần tăng cường công tác quản lý, giám sát thăm dò, kịp thời xử phạt các sai phạm…

Nếu thực hiện được như vậy, công tác khai thác khoáng sản làm VLXD đi vào quỹ đạo vừa đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, vừa tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo kết quả địa chất và thăm dò khoáng sản cho thấy Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Với tổng tiềm năng tài nguyên đá vôi là 1.754 tỷ tấn, trong đó đá vôi để sản xuất xi măng đã được khảo sát có trữ lượng 44.738 triệu tấn, đất sét sản xuất xi măng là 7.601 triệu tấn, phụ gia hoạt tính cho xi măng có trữ lượng 3.947 triệu tấn, cao lanh 849 triệu tấn, fenspat 83,86 triệu tấn, cát trắng cao silic 1.403 triệu tấn, đôlômit 2.800 triệu tấn, đá ốp lát granit đủ các màu với trữ lượng 37.590 triệu m3….

Theo baoxaydung

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng