Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN nhận định thị trường bất động sản vẫn đang trong tình cảnh khó khăn, tồn kho lớn cả về nguyên vật liệu cũng như sản phẩm nhà ở. Đặc biệt, niềm tin của chủ đầu tư, đơn vị thi công, người bán vật liệu xây dựng cũng như ngân hàng vào thị trường này đang có nhiều xáo trộn. Bởi vậy, giải pháp được NHNN đưa ra đó là: “Nghiên cứu mô hình liên kết 4 nhà để hoàn thành các sản phẩm xây dựng dở dang, bên bán vật liệu sẽ có tiền, bên thi công cũng nhận được tiền và chủ đầu tư được ngân hàng cho vay”, ông Mạnh cho biết.
Đề cập về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, đại diện NHNN cho biết: Gói này đang đi đúng hướng và được triển khai có hiệu quả. Tiến độ giải ngân của tháng sau thường cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng thừa nhận, tiến độ giải ngân gói tín dụng này không đạt được như kỳ vọng do nguồn hàng còn ít; sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương chưa đồng bộ, có nơi tích cực, có nơi còn khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi xác nhận thủ tục.
Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 15/2/2014, NHNN đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng; các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình, 5 ngân hàng đã cam kết cho 2.275 khách hàng cá nhân vay với số tiền 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 3,6%. Dù tiến độ giải ngân có cải thiện nhưng vẫn rất chậm so với kỳ vọng của ngân hàng, chủ đầu tư và người dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Theo NHNN, tình hình tăng trưởng tín dụng như vậy là phù hợp với quy luật của những năm gần đây, tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm. Cụ thể, tín dụng bằng VND giảm 1,94%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,11%. Theo bà Hồng, diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong 2 tháng đầu năm ổn định. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, tạo nguồn can thiệp khi cần thiết. Đến ngày 26/2, tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại ở mức 21.080 - 21.120 VND/USD.
Theo thống kê của NHNN, lãi suất huy động thời gian qua đã giảm. "Đây là diễn biến tích cực giúp các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn, kỳ hạn của mình", bà Nguyễn Thị Hồng nhận định. Trần lãi suất huy động hiện nay là 7%/năm, với kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, theo NHNN, mức trần này không có nhiều ý nghĩa bởi nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây vẫn chưa phải là thời gian chín muồi để dỡ trần lãi suất. "Khi nào nền kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, thanh khoản ngân hàng tốt, hệ thống ngân hàng thực sự vững chắc thì NHNN sẽ gỡ bỏ trần lãi suất huy động", bà Hồng cho biết.