Phân khúc cao cấp đang dư cung - thiếu nhà ở xã hội
Tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính và khoa học công nghệ; xây dựng kế hoạch để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường.
Lượng nhà ở xã hội được xây dựng chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu của người dân.
Cụ thể, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đến năm 2015 đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, đến nay toàn ngành xây dựng hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, số lượng nhà ở nêu trên chưa thể đáp ứng hết được mong muốn của người dân có mức thu nhập trung bình thấp, nhu cầu NƠXH vẫn còn rất lớn.
Bộ Xây dựng cũng ghi nhận, nhìn tổng thể giai đoạn vừa qua, cơ cấu hàng hóa bất động sản (BĐS) đã được điều chỉnh từng bước, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc BĐS cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và NƠXH. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, NƠXH để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế về mức thu nhập, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS được cho là đang lệch pha cung cầu, khi số lượng các dự án BĐS cao cấp chiếm áp đảo so với các phân khúc còn lại, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ và NƠXH.
Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2020 có 31 dự án được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, với tổng số 16.895 căn nhà, giảm 30,4% so với năm 2019. Trong đó, có 7.114 căn nhà thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, chiếm tỷ lệ 42,1% và tăng 15,9% so với năm 2019; phân khúc nhà ở trung cấp có 9.618 căn, chiếm tỷ lệ 56,9% và tăng 66,2% so với năm 2019. Trong khi đó, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%, giảm đến 98,6% so với năm 2019. Hiện thị trường thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, NƠXH, văn phòng kết hợp lưu trú…
Nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển NƠXH phục vụ nhu cầu người dân, Bộ Xây dựng vừa tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án NƠXH độc lập không phân biệt quy mô sử dụng đất.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án NƠXH độc lập (không phân biệt quy mô sử dụng đất) như: Bổ sung quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.
Bổ sung khái niệm “Dự án đầu tư xây dựng NƠXH” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH…
Sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư dự án NƠXH theo hướng: Cho phép dự án NƠXH loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất để đảm bảo thống nhất với pháp luật về quy hoạch và tính khả thi; chủ đầu tư dự án NƠXH được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng NƠXH (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua NƠXH và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành NƠXH sau khi đầu tư.
Cho phép khấu trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; bổ sung quy định ưu đãi đối với trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực...
Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH độc lập, trong đó có dự án NƠXH độc lập có quy mô lớn (từ 50ha trở lên) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định chi tiết Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2021.
VLXD.org (TH/ TC Tài chính)