Chia sẻ về định hướng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Wyeren Yap Vooi Soon, tổng giám đốc Gamuda Land, đơn vị sở hữu dự án Celadon City cho biết hiện tại doanh nghiệp của ông vẫn đang tìm kiếm quỹ đất tại trung tâm và vùng phụ cận các thành phố lớn để xây dựng các dự án tiếp theo. Đây là cũng là chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt: phát triển những khu đô thị phức hợp có diện tích lớn tại những thành phố hạt nhân, đặc biệt ưu tiên những nơi có hạ tầng ổn định, sân bay và khí hậu ôn hòa.
Bên cạnh đó, ông Wyeren cho rằng trên thực tế, các nhà phát triển bất động sản nước ngoài còn phải cân nhắc tới những yếu tố có thể ảnh hưởng tới chi phí vốn, chẳng hạn như biến động tỷ giá và các rủi ro địa chính trị khác. Bên cạnh đó, chi phí pháp lý cũng là một vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bận tâm.
Khi được hỏi ý kiến về những kênh đầu tư thu hút trên thị trường hiện tại, một số chuyên gia cho biết đất đang là điểm sáng trên thị trường Việt Nam. Tuy vậy ông vẫn tin rằng mỗi nhà đầu tư sẽ là người ra quyết định khôn ngoan nhất cho chính mình. "Quan trọng là đề cao kiểm soát rủi ro trong khả năng, vì không thể nói điều trước gì trong kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Bá Sáng, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn An Gia nhận định.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup Holdings cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ khó khăn trong 2 - 3 năm tới. Quan điểm của ông Hưng về sự lựa chọn là sẽ đầu tư vào bất động sản du lịch, nhất là các dự án du lịch trải nghiệm.
Ông Võ Sỹ Nhân, giám đốc điều hành Empire City cho rằng ông sẽ thận trọng với các dự án đầu tư mới vì thị trường vẫn chưa thật sự khởi sắc. Do đó, quan điểm của ông Nhân là sẽ đầu tư vào các dự án đang tạo ra nguồn thu.
Dưới góc nhìn của mình, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, thì khẳng định rằng với việc thiếu hụt nguồn cung, các chủ đầu tư sẽ tìm kiếm các dự án mới tại khu vực ngoại ô và các khu vực lân cận TPHCM. Theo đó, kỳ vọng năm 2020 nguồn cung sẽ phục hồi, nhiều dự án được khơi thông và đưa ra thị trường trong năm 2020 - 2021. Giá bán căn hộ tại TP.HCM được CBRE dự báo sẽ tăng trung bình 5 - 10%/năm, đặc biệt ở phân khúc hạng sang, trong khi Hà Nội giá bán kỳ vọng tiếp tục tăng dao động nhẹ 3 - 4%/năm.
Tại TP.HCM, vị chuyên gia này cho biết thêm những quỹ đất "sạch" về pháp lý và đã bồi thường và giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại tại trung tâm ngày càng khan hiếm, một số nhà phát triển dự án chuyển hướng tới các tỉnh lân cận TPHCM, mang đến những sự lựa chọn mới cho người mua. Các nhà phát triển dự án đang xoay chuyển thế nào trong tình hình mới và chia sẻ về xu hướng sản phẩm trong tương lai: nguồn cung, các xu hướng sản phẩm, các vấn đề về quỹ đất ảnh hưởng đến giá bất động sản và cách thức họ vượt qua. Hiểu được người bán sẽ hiểu được thị trường.
Nhiều chuyên gia hàng đầu về thị trường BĐS đang đưa ra một số bức tranh đầy màu sắc của thị trường trong năm sau.
Nói về sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường "căn hộ thứ hai", ông Neil Macgregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhìn nhận, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh, mọi người đang tìm kiếm căn hộ nghỉ dưỡng thứ hai nhiều hơn.
Theo đó, người giàu Việt Nam đang tìm kiếm những địa điểm gần nhất với căn nhà thứ nhất của họ, và có kèm các yếu tố khác như gần sân bay, thuận tiện cho việc di chuyển. Đà Nẵng với lợi thế có nhiều chuyến bay thẳng từ nhiều nước trong khu vực vì thế đang là thị trường rất tốt cho "căn nhà thứ hai". Thêm nữa là khu vực Hồ Tràm ở Vũng Tàu, vì cách TPHCM chỉ vài tiếng đồng hồ đi xe hơi. Sự hiện diện của sân bay Long Thành trong tương lai cũng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này phát triển mạnh.
Theo ông Will Học Nhân, Phó Giám đốc cấp cao kinh doanh và Marketing, tập đoàn Alpha King, quỹ đất với quy mô lớn hơn 1 hecta trong trung tâm TPHCM đang rất hiếm và cực quý. Vì trung tâm lõi luôn được phát triển đầu tiên trong định hướng phát triển của hầu hết các thành phố. Giá bán cũng là vấn đề lớn, người dân muốn mua nhà để ở sẽ khó thể đáp ứng được. Mật độ dân số trong trung tâm cao cũng dẫn đến việc giảm, ngừng cấp phép dự án dân cư trong khu vực này.
Ngược lại, với quan điểm của đại diện nhà đầu tư nước ngoài, ông Ivor Cosimo Jencks, Tổng Giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh Bất động sản thương mại khu vực Nam Á, HongKong Land lại khẳng định, Hong Kong Land không có kế hoạch đầu tư ra ngoài TPHCM, bất chấp những khó khăn đang phải đối mặt như vấn đề tiếp cận quỹ đất và xin cấp phép dự án, chúng tôi có chiến lược rất rõ ràng, thành phố vệ tinh không phải là điều chúng tôi tìm kiếm. Tôi nghĩ các Công ty phát triển bất động sản nước ngoài khác cũng sẽ không đi ra ngoài thị trường tuyền thống ở khu vực trung tâm, vị này tuyên bố.
Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt từ Hàn Quốc, Đài Loan trong nhiều năm tới, ông Kiệt nói thêm.
Một xu hướng đang bùng nổ khá mạnh, theo phân tích của giới chuyên gia, đó là đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là cách để các công ty phát triển bất động sản trong nước giải quyết những khó khăn hiện tại. Đơn cử, Novaland đang mở rộng thêm hướng phát triển các căn hộ nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Bình Thuận để theo kịp xu hướng du lịch ở Việt Nam, đồng thời để đón đầu sự thiếu hụt nguồn cung ở phân khúc bất động sản này.
VLXD.org (TH/ Vinacorp)