>> Chủ trương phát triển ngành công nghiệp VLXD đến năm 2030 của tỉnh Bình Phước
>> Bộ Xây dựng: Cần khắc phục tình trạng khai thác vật liệu xây dựng tràn lan
>> Đề xuất quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 45 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn hiệu lực, trong đó 8 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), số còn lại do UBND tỉnh cấp. Nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, tỉnh Bình Phước chú trọng ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến, trong đó ưu tiên sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH MTV SX-TM-XD Phú Hương được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản mỏ đá xây dựng từ năm 2015 và đến năm 2022 được gia hạn lại. Vị trí khai thác là thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long. Công ty đã xây dựng và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cơ quan chức năng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt.
Quy mô hoạt động của công ty gồm 2 khu vực, khu vực khai thác mỏ diện tích 5 ha và khu vực chế biến đá xây dựng kết hợp sản xuất gạch không nung diện tích 1,3 ha. Trong hoạt động khai thác, chế biến đá, công ty tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đóng đầy đủ các loại phí, thuế theo quy định.
Ấp Núi Gió, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản là nơi có mỏ đá lớn và chất lượng, quy mô khoảng 50 ha đang được UBND tỉnh cấp phép cho 4 DN thực hiện khai thác, chế biến.
Được UBND tỉnh cấp phép cho khai thác diện tích 9,1 ha, công suất 200.000m3 đá nguyên khối/năm, Công ty cổ phần xây dựng Bình Phước luôn thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, DN luôn tìm giải pháp hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường xung quanh. Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Bình Phước Hoàng Hữu Toán chia sẻ: hằng năm, cơ quan chức năng tiến hành giám sát môi trường đo độ ồn, bụi cũng như tiếng nổ mìn định kỳ 2 lần/năm… đều đánh giá đạt tiêu chuẩn quy định và trong ngưỡng cho phép.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm
Địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều điểm mỏ đá, sét gạch gói, cát chất lượng đang được UBND tỉnh cấp phép cho 37 công ty, DN khai thác, gồm 32 DN khai thác đá xây dựng, 4 DN khai thác sét gạch ngói và 1 DN khai thác cát. Theo đánh giá của Sở TN&MT, các đơn vị được cấp phép khai thác thực hiện tốt quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản cũng như nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Năm 2022, các đơn vị đã thực hiện nghĩa vụ tài chính hơn 130 tỷ đồng, gồm tiền thuế tài nguyên, thu nhập DN, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quỹ phục hồi môi trường.
Cũng theo đánh giá của Sở TN&MT, mặc dù công tác quản lý, thanh - kiểm tra hoạt động khoáng sản không ngừng được tăng cường nhưng trên địa bàn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là đá xây dựng, vật liệu san lấp và sét gạch ngói làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đối với 35 DN được UBND tỉnh cấp phép, năm 2022, qua thanh - kiểm tra công tác chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, Sở TN&MT đã phát hiện một số vi phạm. Sau kiểm tra đã xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 22 đơn vị, số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
VLXD.org (TH/ lược trích theo Baobinhphuoc)